Series Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết:
CHƯƠNG 9. KỲ THI
Các kỳ thi, các bài kiểm tra luôn là đề tài được quan tâm và gây nhiều lo lắng nhất cho các bạn học sinh sinh viên. Trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải trải qua không biết bao nhiêu các bài kiểm tra, các kỳ thi lớn nhỏ. Thế chúng ta đã chuẩn bị, đã vượt qua chúng như thế nào? Quá trình và kết quả học tập có thường tương ứng với nhau không? Sao ta cứ phải thi với cử nhỉ? Nhà trường muốn kiểm chứng xem các bạn đã học tập, đã tiếp thu bài vở như thế nào. Đó chính là lý do ngắn gọn nhất về các kỳ kiểm tra. Và trên thực tế là đã có nhiều bạn thể hiện khả năng rất tốt trong suốt quá trình học nhưng lại không đạt được hiệu quả cao trong các kỳ thi. Đối với một số bạn khác, nó giống như một nỗi ám ảnh kinh hoàng.Thế thì, bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp giúp các bạn có thể thể hiện khả năng của mình đến tối đa trong các kỳ thi nhé. Các bạn cần nhớ rằng, một kế hoạch học tập hiệu quả luôn phải đi từ những ngày đầu tiên nhất của khóa học, và tiếp tục từng bước từng bước một suốt học kỳ.
9.1. Những tuần học đầu tiên
Để có thể đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra và kỳ thi cuối khóa, bạn cần phải bắt đầu ngay từ những tuần đầu tiên của khóa học. Tìm hiểu xem những yêu cầu cơ bản nhất của giáo viên đối với môn học là gì. Sự sáng tạo của sinh viên có được khuyến khích hay là lớp học sẽ tiến hành theo những luật lệ riêng của nó? Những hoạt động nào cần diễn ra trong lớp (ngồi nghe giảng, thảo luận nhóm hay lên thuyết trình…?) Những tiêu chuẩn nào đánh giá khả năng của sinh viên? Sách giáo trình có tầm quan trọng ở mức độ nào? Bạn có thể sử dụng tài liệu trên Internet để lấy ý tưởng không? Bài tập về nhà sẽ ra sao? Bạn có thể đặt các câu hỏi không? Bạn có thể trò chuyện với giáo viên sau khi tan học? Những bài kiểm tra năm ngoái có thể lấy làm tham khảo từ phía giáo viên không? Tất cả những thông tin trên sẽ giúp bạn điều chỉnh hướng đi của mình theo đúng những gì thầy cô và môn học yêu cầu. Sẽ thật ngốc nghếch nếu bạn cứ học những gì bạn thích rồi lại thi rớt các kỳ thi chỉ vì bạn đã không theo đúng nội dung yêu cầu của môn học.Bạn còn có thể chuẩn bị trước như thế nào nữa? Có rất nhiều điều cho bạn làm. Bạn có nên thực hiện tất cả không? Lý tưởng nhất mà nói thì „có‟. Còn trong thực tế, hãy làm càng nhiều càng tốt, bất cứ khi nào bạn nghĩ về chúng. Hãy nghĩ rằng những gì bạn học được ở trường sẽ là những kỹ năng cần thiết giúp bạn tự tin bước vào đời. Cho dù bạn có học gì ở trường thì trong cuộc sống, bạn sẽ còn cần rất nhiều thứ: một tính cách tích cực, một phẩm chất kiên định dám đeo đuổi đến cùng những giấc mơ, những hiểu biết cơ bản, các kỹ năng học tập, kỹ năng ứng xử với con người, kỹ năng tình cảm, làm việc nhóm, lập mục tiêu và sự tự tin. Dưới đây là những gì bạn có thể làm trong suốt khóa học:
- Đọc lướt qua các sách giáo trình.
- Tìm những người bạn học ưng ý.
- Luôn bám sát kế hoạch học tập của mình.
- Trước khi đến lớp, đọc sách và ghi chú trước. Việc này sẽ giúp bạn không mất nhiều thời gian mà lại hiểu bài tốt hơn. Trong khi đọc, hãy đặt ra các câu hỏi rồi mang vào lớp hỏi bạn bè, thầy cô.
- Bổ sung bài giảng trong lớp vào các ghi chép ở nhà, luôn cố gắng củng cố và thống nhất chúng.
9.2. Giữa học kỳ
Bạn có cần phải học bài mỗi ngày không? Các nghiên cứu nói rằng bạn nên làm việc gì đó đều đặn thường xuyên hàng ngày, cho dù chỉ là năm phút mà thôi. Như vậy sẽ hiệu quả và ít căng thẳng hơn là nhồi nhét trong một lúc.Thường xuyên đặt câu hỏi trong lớp bất cứ khi nào bạn không hiểu bài. Đừng trì hoãn hỏi, nếu không bạn sẽ dễ dàng quên bẵng chúng luôn.
Hãy chọn ngồi ở ba hàng ghế đầu trong lớp. Ở vị trí đó, bạn sẽ thấy tốt hơn, nghe rõ hơn và thể hiện sự quan tâm của mình tới môn học (ngay cả khi bạn không thích nó lắm thì việc nhìn và nghe bài rõ sẽ khiến bạn quan tâm nhiều hơn tới nó!). Đảo bảm là tư thế ngồi cũng phải phù hợp. Nếu bạn ngồi ngửa ra sau trông chán chường mệt mỏi (cho dù bạn có đang thật sự cảm thấy chán đi nữa) thì các giáo viên sẽ có những ấn tượng không hay về bạn. Ngồi thẳng lên và hơi nghiêng mình về phía trước.
Khi thắc mắc điều gì, cứ mạnh dạn gặp hỏi thầy cô, đừng đợi đến gần ngày thi mới làm việc đó. Việc này thể hiện sự quan tâm thật sự của bạn đối với môn học và giúp tăng cường mối quan hệ giữa bạn và các giáo viên (và sau này nếu bạn cần một sự giúp đỡ nào khác thì mối quan hệ này có thể giúp được bạn nhiều hơn bạn mong đợi đấy). Nhớ giới thiệu tên, lớp học và để cho giáo viên biết là bạn thích hay không thích gì về môn học này. Hầu hết các giáo viên đều đánh giá rất cao những phản hồi chân tình và khéo léo từ phía các sinh viên. Điều này còn khiến môn học đó trở nên thú vị hơn đối với bạn và cũng sẽ giúp bạn học tốt hơn.
Hãy dành thời gian đọc lướt qua hết những tài liệu liên quan đến môn học. Bạn càng đọc nhiều về một đề tài nào thì bạn càng hiểu thêm về nó và bạn sẽ có thể đọc nó nhanh hơn, như vậy bạn sẽ làm bài tốt hơn trong các kỳ thi. Nhớ là phải ôn tập thường xuyên để chắc là bạn có thể nhớ lại bài bất cứ khi nào bạn muốn.
9.3. Tuần cuối cùng trước khi thi
Tìm hiểu xem bài thi sẽ ra những loại câu hỏi nào và thay đổi việc học cho tương ứng. Nếu nó là về những kiến thức khách quan thì bạn hãy sử dụng những kỹ thuật ghi nhớ và tập trung vào chi tiết nhều hơn. Còn đối với một bài thi cần thể hiện những suy nghĩ chủ quan thì nhiều người nói rằng cách tốt nhất là tích lũy một lượng kiến thức rộng về đề tài đó, nhấn mạnh vào các ý tưởng hơn là các chi tiết.Sắp xếp lại các ghi chú trong suốt khóa học của mình theo một hình thức mới, cố gắng xem xét tài liệu từ những phương diện khác nhau. Bạn cũng có thể ôn bài theo nhóm nhưng nhớ là phải tìm cho mình những người bạn giỏi nhất mà mình có thể.
9.4. Vài ngày cuối trước giờ thi
Vào thời điểm này, hãy bắt đầu tìm kiếm những gì bạn chưa biết. Nhiều sinh viên ôn bài bằng cách coi lại những gì họ đã biết rồi. Thường là những phần mà họ không biết sẽ bị bỏ sót, làm cho quá trình học thiếu đi tính hiệu quả. Tránh việc coi đi coi lại những gì bạn đã biết rồi, thay vào đó hãy tìm xem những gì bạn còn chưa biết. Nhưng làm sao bạn biết là cái gì bạn đã biết rồi còn cái gì bạn chưa nắm vững?- Kiểm tra lại tập ghi chép. Che từng phần lại và tự kiểm tra trí nhớ của mình.
- Lật xem bảng chú dẫn ở cuối sách. Nếu bạn học từ chương 1 tới chương 5 thì coi thử xem chúng chiếm mất bao nhiêu trang, ví dụ là từ trang 1 tới trang 100. Lật bảng chú dẫn ra, xem từ mục đầu cho tới mục đánh số trang 100. Tự hỏi mình xem bạn đã biết những khái niệm này chưa, từ từ đi xuống cho tới khi bạn gặp một mục từ không quen thuộc. Tìm và xem lại phần viết về chúng trong sách, rồi ghi chú để bạn lại không quên chúng nữa. Cách này giúp bạn cho phép kiểm tra mình về mỗi thuật ngữ, ý tưởng, nhân vật và chi tiết trong toàn bộ cuốn sách.
- Xem lại phần tóm tắt cuối mỗi chương.
- Liệt kê và trả lời những câu hỏi mà tác giả đặt ra. Việc này có thể giúp bạn điều chỉnh đúng hướng các nỗ lực của bạn.
- Trong nhiều trường đại học và cao đẳng, những bài kiểm tra của các học kỳ trước thường được lưu lại trong thư viện. Đây có thể là một nguồn tài liệu quý giá vì nhiều giáo viên thường không viết lại đề thi cho mỗi học kỳ. Thường thì các bài thi có thể chỉ là một hình thức đảo lộn thứ tự của các câu hỏi cũ mà thôi.
Có một thái độ tích cực cũng là một điều tối quan trọng vài ngày trước kỳ thi. Ngày kiểm tra sắp tới nào phải là ngày hành quyết, nó chỉ là một cơ hội cho thấy bạn đã học được những gì. Các giáo viên của bạn có thể luôn muốn cho các bạn những số điểm cao vì điều này thể hiện sự thành công trong quá trình dạy của họ. Nhiều giáo viên cảm thấy buồn khi kết quả cho thấy các sinh viên đã làm kém các bài kiểm tra vì nó ám chỉ rằng họ đã thất bại trong việc truyền đạt những khái niệm quan trọng.
Hãy xem các kỳ thi như là một thử thách và một cơ hội cho thấy bạn đã học được những gì. Hãy tự thừa nhận với chính mình là bạn không thể nào trả lời hết được mọi câu hỏi, như thế bạn sẽ không bị nản lòng khi thấy mình không thể làm tốt hết các yêu cầu trong bài thi. Bài kiểm tra thì luôn cần thiết đối với bất cứ môn học nào vì chúng là cách duy nhất cho các giáo viên biết rằng bạn đã học được bao nhiêu và được những gì từ họ.
9.5. Vài giờ trước kỳ thi
Bạn đã hoàn tất phần khó nhất của cuộc đua. Nếu bạn luôn duy trì tốt việc học suốt học kỳ thì coi như bạn đã “đậu” kỳ thi rồi. Những phút cuối cùng có thể chỉ là sự khác biệt giữa điểm 9 và 10 mà thôi. Những bạn khác có thể phát sốt lên vì thi cử còn bạn thì cứ việc thư giãn một chút. Hãy ngủ một giấc dài trước ngày thi và nhớ là tập thể dục chút chút sáng hôm đó vì nó sẽ thúc đẩy sự lưu thông máu, làm cho quá trình cung cấp oxy cho não tốt hơn trong suốt giờ làm bài thi. Bạn sẽ có thể suy nghĩ linh hoạt hơn, minh mẫn hơn. Dĩ nhiên bạn chỉ nên tập thể dục nhẹ giúp bạn cảm thấy sảng khoái chứ không phải là làm bạn kiệt sức. Một vòng đi bộ nhanh cũng là một bài tập tốt đấy.- Buổi sáng hôm đi thi hãy ăn những chất chứa nhiều prô-tê-in. Prô-tê-in được tổng hợp thành amin sẽ giúp tăng cường sự tỉnh táo và suy nghĩ bạn trở nên nhạy bén hơn.
- Chỉ ăn thật nhẹ hoặc không ăn gì cả trong giờ làm bài thi. Nếu bạn ăn quá nhiều, nguồn cung cấp năng lượng và máu của cơ thể sẽ bị kéo xuống dạ dày giúp nó tiêu hóa thức ăn thay vì đi lên não nơi nó cần suốt giờ kiểm tra.
- Vào ngày thi, đến trường sớm từ 5 tới 10 phút.
- Cách tốt nhất để thư giãn chính là chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần. Bạn phải tin rằng mình sẽ làm bài tốt. Sự tự tin cũng như thái độ bình tĩnh của bạn sẽ giúp tăng cường sự trí nhớ giúp bạn làm bài tốt hơn.
9.6. Vào giờ thi
Nào, bây giờ là lúc quan trọng nhất đây. Tất cả mọi nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Trước tiên, đọc kỹ qua toàn bộ đề thi. Hãy xem qua hết các câu hỏi, việc này sẽ cho não bạn thời gian để chuẩn bị các câu trả lời. Thứ hai, phân bố thời gian một cách thông minh. Đánh giá xem câu nào có điểm cao nhất và câu nào là khó nhất. Đừng vội cầm viết làm bài ngay. Hãy dừng lại và suy nghĩ về kế hoạch làm bài của mình.Hãy thư giãn và bình tĩnh trong khi vạch ra phương pháp làm bài. Một thí sinh tốt là người không „chiến đấu‟ với bài thi, bí mật nằm ở chỗ bạn cần phải thư giãn. Phân tích và diễn giải các câu hỏi theo nhiều cách để chắc rằng bạn hiểu đúng đề. Sau đó, bắt đầu với câu dễ nhất và làm bài nhanh chóng và gọn gẽ. Bạn phải luôn ghi nhớ hướng làm bài khi giải đề. Đừng đọc câu hỏi quá nhiều lần đến nỗi chúng trở nên phức tạp hơn lần bạn đọc chúng đầu tiên. Đọc chúng vừa đủ để bạn tin là mình đã hiểu được ý nghĩa của chúng. Để ý tới những từ quan trọng trong câu như “chứng minh”, “so sánh”, “định nghĩa” và những hướng tương tự. Cố gắng làm hết mọi câu hỏi trừ khi bạn hoàn toàn không biết phải trả lời làm sao. Chú ý khi lên kế hoạch thời gian nên dành một ít thời gian cho việc kiểm tra hay thử lại các kết quả ở những câu đã làm xong.
9.7. Những dạng đề thi cụ thể
Các trường học đang dần thay đổi cách ra đề đối với sinh viên, vì thế trong tương lai bạn sẽ tiếp cận với những loại đề rất khác nhau. Nhìn chung, những loại đề này là nhằm để giúp đánh giá trình độ học viên chính xác hơn. Những loại kiểm tra mới sẽ bao gồm việc sử dụng nhiều hơn các phương tiện kỹ thuật như video, báo chuyên đề, dự án, bài viết, phỏng vấn, đóng kịch, âm nhạc, làm bài trên máy vi tính, và các công việc cộng đồng. Những hình thức này cung cấp cho bạn một phạm vi lựa chọn rộng hơn để khám phá không những bạn biết cái gì mà còn quan trọng hơn, làm sao bạn biết chúng.
Đối với những cách kiểm tra truyền thống thì có vài kiểu bài sau đây: câu hỏi đúng-sai, trắc nghiệm, kết hợp, hoặc điền vào chỗ trống. Các câu trả lời thường được cho sẵn và người học phải lựa chọn đáp án đúng nhất trong số các khả năng đó. Dưới đây là một số hướng dẫn đối với từng kiểu đề cụ thể.
9.7.1. Câu hỏi đúng-sai
Đây là dạng đề dễ nhất vì một lý do rất hiển nhiên là bạn sẽ có khả năng trả lời đúng với tỉ lệ 5050. Đầu tiên, chắc chắn là bạn đã đọc kỹ câu hỏi. Tìm những từ như luôn luôn hay không bao giờ, những từ này thường là dấu hiệu cho thấy đó là câu trả lời sai. Những từ như thường, ít khi, có khi, hay thỉnh thoảng có thể ám chỉ cho ta thấy chúng là câu trả lời đúng. Xem kỹ xem câu trả lời đó có đúng hoàn toàn không trước khi bạn đánh nó là đúng.Ngoài ra, nhớ trả lời những gì mà người ra đề dự định hỏi chứ không phải những gì bạn đọc thấy trên bề mặt câu hỏi. Ví dụ, câu “Microsoft sản xuất ra các phần mềm mang tính ứng dụng cao” là đúng, nhưng câu “Chỉ có hãng Microsoft là sản xuất ra các phần mềm mang tính ứng dụng cao” lại là sai.
Với những câu hỏi đúng-sai, hãy lựa chọn câu trả lời theo những ấn tượng ban đầu của mình. Nghiên cứu cho thấy rất nhiều lần những suy nghĩ đầu tiên của bạn thường là đúng, vì thế khi bạn không chắc chắn hãy tin vào trực quan của mình.
9.7.2 Câu hỏi trắc nghiệm
Đối với loại đề này, bạn nhớ phải đọc các câu trả lời trước. Như thế, bạn sẽ xem xét từng câu trả lời riêng biệt và bình đẳng, tránh được việc “nhảy” vội vào câu đầu tiên và dễ nhất. Tìm những câu trả lời không chỉ có vẻ đúng khi đứng một mình mà phải rất khớp và trả lời thỏa đáng được câu hỏi. Nếu câu hỏi muốn biết nguyên nhân tại sao một việc lại xảy ra thì câu trả lời của bạn buộc phải là một lý do. Thường xuyên dùng biện pháp loại trừ những câu mà bạn thấy rõ ràng là không đúng để xem xét kỹ hơn những phương án còn lại. Những cụm từ sau đây thường ám chỉ cho chúng ta câu trả lời đó có nhiều khả năng là đúng: tất cả những ý trên, không câu nào đúng cả,hay hai đáp án đầu tiên.Kiểm tra lại cấu trúc câu hỏi cho thật kỹ để không bỏ sót những ý quan trọng như “Tất cả những câu trên đều đúng ngoại trừ…”, hay là “ không thể nói điều đó là không …”. Theo thống kê thì câu trả lời ít có khả năng đúng nhất chính là phương án đầu tiên (phương án a). Khi bạn nghi ngờ, hãy chọn một trong hai câu trả lời cuối. Bạn cũng phải nhớ là luôn luôn phải chọn một đáp án nào đó cho dù bạn hoàn toàn không biết câu trả lời là gì. Cho dù chỉ là chọn đại nhưng dẫu sao ít nhiều gì bạn cũng còn có cơ may đoán đúng.
9.7.3. Hoàn tất câu hay điền vào chỗ trống
Loại bài này thường đòi hỏi những cụm từ chính xác từ trí nhớ. Chúng không chấp nhận nhiều lỗi sai, vì thế bảo đảm rằng câu trả lời của bạn là một phần logic của câu đó tính trên tổng thể của cả câu. Độ dài và số lượng các khoảng trống cũng có thể cho bạn một gợi ý nào đó. Khi nghi ngờ thì hãy đoán. Ngay cả một câu trả lời ước đoán chung chung cũng có thể cho bạn được một phần nào điểm số. Nếu bạn nghĩ ra hai phương án trả lời nhưng vẫn không chắc chắn cái nào là đúng thì viết cả hai vào và hy vọng sẽ được phân nửa số điểm của câu đó.9.7.3 Bài luận
Khi làm bài luận, bắt đầu bằng việc lập ra một dàn ý trên giấy nháp. Sắp xếp đâu là ý chính, đâu là ý phụ bổ sung. Kiểm lại từ ngữ của câu hỏi để đảm bảo rằng bạn hiểu đề đúng. Ví dụ, nếu câu hỏi yêu cầu bạn so sánh và đối chiếu thì đừng mô tả, chứng minh hay lập luận. Bắt đầu bài luận bằng những từ trong câu hỏi để giúp bạn đi đúng hướng.Luôn viết những gì nhằm trả lời câu hỏi, cho dù bạn không có gì nhiều để nói. Suy nghĩ và viết theo dàn bài sau:
1. Mở bài – Giới thiệu chủ đề sẽ trình bày.
2. Lý thuyết nền tảng – trình bày những thông tin nền tảng mang tính lý thuyết hay lịch sử để hướng độc giả tới chủ đề chính.
3. Lập luận – nêu ra những ý chính, bao gồm nguyên nhân và hậu quả, phương pháp sử dụng, ngày tháng, nơi chốn, kết quả.
4. Kết luận – Nói lên ý nghĩa của các sự kiện và kết thúc bằng cách tóm tắt lại toàn bộ bài.
Khi bí ý tưởng, hãy nghĩ về một quyển sách, những cái tên nổi tiếng, nơi chốn, ngày tháng, chiến tranh, kinh tế, chính trị có liên quan đến đề tài đó hay bất cứ những gì giúp gợi cho bạn một vài ý tưởng. Nếu bạn hoàn toàn không biết viết cái gì thì hãy tự nghĩ ra một câu hỏi nào khác liên quan đến đề tài đó và trả lời nó. Thường thì ít nhất bạn cũng được một phần điểm cho câu đó. Điều này còn tốt hơn là chẳng được gì cả.
9.8. Khi làm bài xong
Kỳ thi chưa phải đã xong khi bạn buông viết làm xong câu hỏi cuối cùng! Vẫn còn ba bước nữa cần được thực hiện để giúp phân định điểm cao hay thấp: Q-A, họ tên, và chỉnh sửa.Đầu tiên là Q và A ( hỏi và trả lời), có nghĩa là bạn phải đọc lại tất cả các câu hỏi và câu trả lời của bạn. Chỉnh sửa lại những gì còn sai, viết lại những chữ không rõ ràng, xem coi mình đã trả lời đúng trọng tâm câu hỏi chưa.
Thứ hai, bạn phải xem coi mình đã viết họ tên chưa và viết có rõ ràng không. Đây chính là thời điểm bạn nhận phần thưởng từ những lần tiếp xúc tích cực với các thầy cô trước đây. Bất cứ những ấn tượng tốt đẹp nào từ phía thầy cô cũng có thể tưởng thưởng cho bạn xứng đáng. Đôi lúc, khi phải quyết định giữa hai con điểm thì những sinh viên nào tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt thầy cô sẽ nhận được điểm số cao hơn.
Cuối cùng, khi bạn nghĩ rằng mình đã hoàn thành xong tất cả thì hãy lật úp bài thi lại và ngồi với nó thêm một chút. Rất nhiều lần, các sinh viên vì nôn nóng đã nộp bài quá sớm đến nỗi khi họ muốn sửa chữa hay có những ý tưởng mới nảy ra thì đã quá muộn. Cứ để tâm trí bạn lang thang một lúc. Nếu bạn có thời gian, bạn có thể mơ màng chút ít và nghĩ về bài thi trong năm phút. Thỉnh thoảng, những ý tưởng hay cách giải quyết khác hay hơn sẽ đến bất chợt trong đầu vì áp lực suy nghĩ lúc đó không còn đè nặng bạn như lúc trước nữa.
Khi giáo viên phát lại bài làm của bạn, đừng vội nhét nó vào cặp mà nhìn qua chút xem nào. Kiểm tra lại những lỗi sai của mình và tìm xem không phải chúng là gì mà chúng là loại lỗi nào. Lỗi đó là do bạn trả lời quá hấp tấp hay do trình bày kém, do không làm bài tập về nhà đúng ngay phần đó hay do ghi chú không chính xác? Hiểu lý do tại sao bạn mắc lỗi và tránh nó ở những bài thi tiếp theo.
Tiếp tục series với Phần 10. Bí Quyết 1%
hay lắm chú
Trả lờiXóa