Series Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết:
CHƯƠNG 7. LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ
Thỉnh thoảng, ai trong chúng ta cũng từng mơ ước rằng mình có một trí nhớ tuyệt vời có thể nhớ được thật nhiều thứ. Tuy nhiên, sự quên lãng cũng rất cần thiết đấy – ví dụ như những thứ vặt vãnh hằng ngày hay những sự việc không vui. Đối với bộ não của bạn, những thứ liên quan tới những xúc cảm mạnh mẽ hay sự sống còn đều rất quan trọng (ví dụ như thức ăn hay sự an toàn). Bạn có thể nhớ những chuyện đó ngay lập tức và không gặp bất cứ khó khăn nào. Nhưng bạn cần học được cách nhớ những điều bạn nghĩ là quan trọng. Và việc này đòi hỏi một số mẹo nhỏ đấy. Sự ghi nhớ là một quá trình chứ không phải là một điểm nào đó trong bộ não. Không hề có một trung tâm trí nhớ đơn lẻ, đứng một mình. Vì vậy khi chúng ta nói một người nào đó có trí nhớ tốt thì điều chúng ta thật sự muốn nói là người đó rất thạo quá trình thu hồi lại những thông tin lựa chọn. Khả năng ghi nhớ của bạn hoàn toàn có thể cải thiện được. Nếu bạn nói rằng mình có trí nhớ kém thì không có nghĩa là mãi mãi bạn sẽ như vậy. Nhưng để có thể sử dụng nó một cách hiệu quả, bạn cần phải hiểu quá trình hoạt động của nó.
7.1. Trí nhớ của bạn hoạt động như thế nào?
Chỉ mới gần đây thôi, các nhà khoa học mới giải mã được quá trình hoạt động của hệ thống ghi nhớ của bộ não con người. Bạn có thể có rất nhiều cách để ghi nhớ. Cách tốt nhất, tự nhiên nhất chính là những ghi chú sáng tạo của bạn, nó giúp bạn học, lưu trữ thông tin và nhớ lại một cách dễ dàng và chính xác khi nào bạn cần đến chúng.
Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về trí nhớ nói rằng chúng ta có ba cách ghi nhớ: bạn có thể sử dụng trí não để nhớ lại từ ngữ, sử dụng cơ thể để gợi lại trí nhớ, và sử dụng không gian (vị trí, môi trường, hoàn cảnh khác nhau) để củng cố việc học.
7.1.1. Sử dụng trí não
Khi bạn sử dụng trí não, bạn sẽ nhớ được những yếu tố quan trọng thông qua sự lặp đi lặp lại, sự liên kết ký ức, sự liên hệ, ôn tập, những từ chính, từ viết tắt. Đây là cách bạn dùng để nhớ được những từ ngữ, tên tuổi, ngày tháng, nơi chốn, định nghĩa, sự kiện và hàng triệu những thông tin khác cần nhớ cho việc học. Ví dụ:
Công thức LEETOWER dùng để nhớ những tính từ ngoại lệ trong so sách hơn môn tiếng Anh (khi gạch chéo hai âm tiết một LE/ET/OW/ER, thì những tính từ tận cùng bằng các chữ cái đó sẽ có thể được coi như cả tính từ ngắn lẫn dài mặc dù nó gồm có hai vần).
simple simpler than, more simple than quiet quieter than, more quiet than narrow narrower than, more narrow than clever cleverer than, more clever than
7.1.2. Sử dụng cơ thể
Bạn có thể nhớ một điều gì đó bằng cách làm nó, sử dụng nó, có cảm giác về nó, ngửi nó, nếm nó, dạy nó cho người khác, nghe nó hoặc vẽ nó ra.
Ví dụ
Bạn nhớ những việc bạn làm trong phòng thí nghiệm (môn vật lý, sinh học hay hóa học).
Bạn nhớ những gì bạn học trong lớp tiếng Anh (khi thực tập đóng vai, chơi game)
Ngoài ra, cơ thể giúp bạn nhớ lại thông tin qua những cảm giác của bạn khi học chúng. Nếu bạn làm bài kiểm tra trong lúc đầu óc rối bời, bạn sẽ quên đi rất nhiều thứ. Vì vậy hãy làm theo cách này. Nếu bạn đang có vấn đề gì đó khiến bạn căng thẳng thì sau khi học, hãy thực tập nó bằng cách ôn tập lại thật nhanh, dưới một áp lực thời gian nhất định. Với cách này, cơ thể và đầu óc bạn sẽ quen với những điều kiện giống như khi làm kiểm tra và bạn sẽ có thể làm bài tốt hơn trong những kỳ thi thật sự.
7.1.3. Sử dụng không gian
Chúng ta nhớ những gì đã học qua vị trí và hoàn cảnh mà chúng ta học chúng. Học ở trường, ở nhà, trong phòng ngủ, phòng khách, ở thư viện… sẽ khiến não bạn liên kết không gian đó với thông tin cần nhớ. Ngoài ra, bạn hãy dùng mỗi màu khác nhau cho mỗi chương bạn học. Ghi chú với các kiểu chữ và kích thước khác nhau rồi kiểm tra bằng cách nhớ lại các ghi chú đó hoặc viết thử chúng ra giấy.
Ví dụ
Nếu bạn học bài trong cùng một cái phòng mà bạn sẽ thi ở đó thì các nghiên cứu cho thấy bạn sẽ dễ nhớ bài hơn. Nếu bạn phải học năm chương thì hãy học mỗi chương ở một nơi khác nhau. Khi đó, bạn sẽ có những hồi ức riêng biệt và rõ ràng khi ôn lại chúng.
Trong ba loại ghi nhớ này, bạn thấy cái nào thích hợp với mình? Hãy nhớ lại bạn đã từng dùng cách nào mà bạn thấy có hiệu quả nhất. Cho dù nó là cái gì, thì hãy bắt đầu sử dụng chúng nhiều hơn ngày hôm nay. Ôn lại ba ý tưởng này mỗi cái ở một góc phòng khác nhau. Đi đến góc phòng còn lại và ôn lại hết. Nghe có vẻ buồn cười nhưng chúng lại rất hiệu nghiệm đấy!
7.2. Để ý đến các chi tiết
Hãy luyện tập trí nhớ của bạn bằng cách để ý nhiều hơn đến các chi tiết. Bắt đầu để ý tới trang sách nơi mà bạn đang đọc. Coi xem nó được trình bày như thế nào và nhìn các tranh ảnh kỹ hơn. Thật đáng ngạc nhiên khi nhiều người chẳng hề biết những điều rất cơ bản như màu tường hay tấm màn treo cửa nhà mình là gì, số xe hay số chứng minh nhân dân của họ. Mặc dù biết những điều đó không phải là việc quan trọng nhưng học cách ý thức nhiều hơn tới môi trường xung quanh có thể rất hữu ích đối với việc gia tăng trí nhớ của bạn.
Áp dụng: Để ý tới những chi tiết nhỏ nhất như những tiếng động quanh bạn, các bảng hiệu, ai ở trước và sau bạn. Hãy cứ giả vờ như mình đang là một thám tử hay điệp viên và mọi thứ nhỏ nhất đều quan trọng. Đơn giản là hãy thực tập để ý nhiều hơn.
7.3. Hiểu đúng sự việc
Bảo đảm rằng bạn hiểu đúng các dữ liệu. Nghe thì có vẻ đơn giản đấy nhưng không phải lúc nào ta cũng làm nó đâu, đặc biệt khi đọc các tài liệu có những số liệu thống kê thì mọi người hiếm khi chú tâm tới các con số, họ thường quan tâm tới ý nghĩa của chúng mà thôi. Ở các buổi tiệc tùng có nhiều người lạ tham dự, ta thường chỉ để tâm tới họ là ai, bữa tiệc này quan trọng như thế nào, có gì đặc biệt diễn ra hay không. Chúng ta thường muốn tỏ ra lịch sự nên ít khi nào dám hỏi tên một người vừa mới được giới thiệu đến lần thứ hai. Ở trong lớp học cũng vậy. Khi giáo viên nói một điều gì đó mà ta chưa hiểu rõ, ta thường bỏ qua chúng luôn và hy vọng là sau này ta sẽ tự hiểu ra được. Mặc dù vậy, đôi khi chúng ta thường quên nó luôn. Vì vậy hãy tập thói quen nắm bắt và hiểu các thông tin cho đúng.
Áp dụng: Bắt đầu từ cơ hội đầu tiên tiếp theo. Dù cho là bạn xem TV hay gặp đích thân một ai đó, bảo đảm là bạn biết đúng tên, đúng địa chỉ hay một số liệu nào đó. Sau đó lặp lại chúng để củng cố trí nhớ.
7.4. Hiểu những gì cần nhớ
Nghe thì có vẻ quá hiển nhiên nhưng tôi vẫn phải nhắc bạn cần hiểu thấu đáo những gì bạn muốn nhớ. Nguyên tắc này áp dụng bình đẳng như nhau giữa các môn học như thơ ca, toán học, lịch sử, các môn khoa học và những lĩnh vực liên quan. Nếu cái gì đó có ý nghĩa thì chúng sẽ trở nên dễ nhớ hơn đối với bạn. Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu trong những chương trước giá trị của việc tạo nên ý nghĩa cho một thông tin nào đó. Đây có thể là một nhân tố quan trọng giúp bạn hiểu sự việc tốt hơn.
Áp dụng: Khi bạn nghe giảng một đề tài nào đó trong lớp thì hãy vẽ nó ra. Tìm học những tài liệu liên quan đến nó hay không ngần ngại hỏi thầy cô bất cứ những gì chưa rõ. Tranh thủ tham gia tích cực các cuộc thảo luận. Viết một bài luận về đề tài đó hay giảng lại nó cho ai nghe.
7.5. Tận dụng sự sáng tạo
Một trong những phương pháp giúp tăng cường trí nhớ chính là sức sáng tạo không giới hạn của bạn. Dường như là thiết kế độc đáo của bộ não chúng ta thích hợp đối với việc nhớ những cái gì bất thường và độc đáo hơn là những thứ thông thường, vô vị. Vì vậy, nếu các ghi chú của bạn được thể hiện linh động, sáng tạo, bắt mắt thì nó sẽ nổi bật lên và bạn sẽ dễ dàng hồi tưởng lại chúng hơn.
Áp dụng: Biến những tài liệu chữ của bạn thành những bức tranh sinh động. Phóng đại và thổi vào đó phong cách của một người nghệ sĩ bằng các màu sắc đa dạng, những hình ảnh ngộ nghĩnh, liên tưởng nó tới các hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị. Hoặc là bạn cũng muốn „chế ra‟ những câu nói có âm điệu bắt đầu bằng những từ đầu tiên chẳng hạn. Vì một số lý do nào đó, bộ não bạn dễ nhớ những gì có giai điệu.
7.6. Tạo nên những bức tranh tinh thần mạnh mẽ
Thường thì bộ não của chúng ta thích chứa đựng các hình tượng, tranh ảnh hơn là ngôn ngữ đơn thuần. Ví dụ khi bạn nghĩ về sữa, bạn có thường hình dung ra một chữ gồm ba ký tự s-ữ-a không? Đa số mọi người đều hình dung ra trong đầu một ly sữa thơm ngon hay một hộp sữa của một sản phẩm nào đó hay được quảng cáo trên TV. Như vậy, bằng cách vẽ ra những bức tranh tinh thần, bạn sẽ có thể giúp mình nhớ bài tốt hơn. Hãy đổi những từ ngữ, ý tưởng thành các hình ảnh và hãy học những hình ảnh đó, đừng đọc chữ nữa.
Cách thực hành tạo ra các bức tranh tinh thần
Liên kết một từ với một từ khác để tạo ra một sự liên hệ giữa chúng. Kỹ năng ghi nhớ của bạn sẽ được cải thiện nếu bạn thực tập tạo ra những bức tranh tinh thần về những gì mà mình muốn nhớ. Bức tranh đó càng kỳ quặc và sống động bao nhiêu thì bạn sẽ càng dễ hồi tưởng lại những từ ngữ hay thông tin có liên hệ với chúng bấy nhiêu. Sử dụng bốn gợi ý sau để tạo nên các bức tranh tinh thần sống động:
1. Hình dung một số hành động đang xảy ra.
2. Nghĩ đến một hình ảnh không cân xứng.
3. Tưởng tượng trong đầu một phiên bản phóng đại của một vật nào đó.
4. Thay thế và đảo ngược các vai trò thông thường.
Ví dụ, để nhớ việc gửi một lá thư, tưởng tượng lá thư đó giống như một tấm thảm bay thần kỳ chở bạn đi và nhét bạn vào trong thùng đựng thư. Cải thiện kỹ năng ghi nhớ của bạn bằng cách thực tập liên tưởng các từ ngữ sử dụng bức tranh tinh thần. Ví dụ, để liên hệ từ cái bàn với khiêu vũ, trước tiên hình dung trong đầu một cái bàn quen thuộc mà bạn hay sử dụng. Sau đó, hình dung cái bàn đứng trên hai chân của nó nhảy múa điên cuồng, hai chân còn lại xoay tít trong không trung.
Thật là một bức tranh kỳ cục phải không? Và chính vì thế mà hình ảnh đó sẽ „dính chặt‟ trong đầu bạn và nếu cần thì bạn có thể nhớ lại hết sức dễ dàng và sống động. Mỗi khi bạn nghĩ về cái bàn, bạn sẽ nghĩ tới khiêu vũ. Sự nối kết của các từ có thể tiếp tục diễn ra như vậy. Nếu bạn muốn liên hệ từ khiêu vũ với con vịt thì hãy tưởng tượng ngay đến một chú vịt Donald ngộ nghĩnh, toàn thân trắng bóc, mập ú, đang nhảy nhót quay cuồng, hai cánh bay phấp phới trong không trung. Bằng cách sử dụng sự kết nối thông qua những hình ảnh tinh thần đó, bạn đã tạo ra một dãy liên hoàn các sự liên tưởng: cái bàn với khiêu vũ, khiêu vũ với con vịt. Bằng cách này, mỗi một lần bạn không bao giờ cần cố gắng nhớ hơn một từ. Cả quá trình này đều được thực hiện với những hình ảnh tinh thần. Phương pháp này sẽ giúp bạn nhớ được danh sách các tên tuổi, nơi chốn, sự kiện hay hầu như tất cả mọi thứ.
7.7. Sử dụng sức mạnh của sự liên tưởng
Đây chắc chắn là một trong những phương pháp đơn giản nhất vì khi ta muốn nhớ lại một điều gì đó thì một sự liên tưởng đến một vật khác sẽ giúp ta nhớ lại nó. Hệ thống này chẳng đòi hỏi gì hơn một sự ý thức và một bức tranh tinh thần nhanh gọn. Một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng tất cả sự nhớ lại của chúng ta đơn giản chỉ là sự liên tưởng mà thôi. Điều quan trọng ở đây là cách bật lên sự liên tưởng vào thời điểm đúng lúc ta cần mà thôi.
Cách hình thành những sự liên tưởng giữa các từ ngẫu nhiên
Từ Nghĩ về Sau đó liên tưởng nó tới cái bàn một cái bàn cụ thể nào đó, rất lớn, ví dụ như cái bàn ăn nhà bạn khiêu vũ một điệu nhảy hình ảnh một cái bàn đứng
trên hai chân nhảy điên cuồng
con vịt một chú vịt Donald trắng, khổng lồ chú vịt đó đang xoay
vòng theo điệu nhảy
Như vậy mỗi khi bạn nghĩ tới cái bàn bạn sẽ nhớ ngay đến cái bàn nhảy (giúp bạn nhớ từ khiêu vũ), và điệu nhảy đó lại giúp bạn liên tưởng tới từ con vịt.
7.8. Thực tập dưới những điều kiện giống như khi ta cần nhớ lại
Một khám phá thú vị nữa là con người có thể nhớ lại tốt nhất một khi trạng thái chúng ta lúc học bài phù hợp với trạng thái cơ thể khi nhớ lại. Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn khi học, và trong phòng thi bạn cũng cảm thấy như vậy thì chắc chắn khả năng hồi tưởng lại những gì đã học sẽ tốt hơn nhiều.
Áp dụng: Khi bạn cần nhớ một thông tin quan trọng nào đó, hãy viết nó lên những tấm giấy cứng kích thước 8×12 cm và mang chúng theo bên bạn. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, hãy lấy chúng ra ôn lại.
Đối với các bài kiểm tra hay các kỳ thi, bạn có thể ứng dụng ý tưởng này như sau. Nếu bạn hay bị căng thẳng và lo âu, thì bạn hãy cố gắng tạo điều kiện cho việc học và việc nhớ lại diễn ra trong cùng điều kiện tâm lý hay môi trường như vậy, ví dụ như ra cho mình thời gian hoàn thành bài tập thật nhanh, đặt cho mình một số áp lực nếu không hoàn thành một nhiệm vụ đó. Sự luyện tập này sẽ giúp bạn nhớ lại bài dễ dàng hơn trong cách kỳ thi căng thẳng vì bạn đã trở nên quen thuộc với chúng từ trước đó.
7.9. Giảm thiểu sự xen ngang
Rõ ràng là bộ não của chúng ta cần những khoảng thời gian nghỉ ngơi để sắp xếp và phân loại lại lượng thông tin mà nó tiếp nhận hàng ngày. Tác giả Michael McCarthy trong quyển Làm chủ thời đại thông tin nghiên cứu ra được rằng thời gian đó lý tưởng nhất là vào giờ nghỉ ngơi ngay trước hay sau khi học một tài liệu mới. Lúc đó đầu óc bạn có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, phân loại và lưu trữ các thông tin cần thiết. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng bộ não chúng ta sử dụng thời gian „ngủ‟ để làm công việc „dọn dẹp‟, xử lý các thông tin của nó. Thật ra, chúng ta chủ định quên đi rất nhiều thứ. Đó là một quá trình hoạt động bình thường của bộ não vào ban đêm nhằm loại bỏ những ký ức mà chúng ta cho là không cần thiết. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã chứng tỏ được rằng chúng ta nhớ bài tốt nhất lúc bắt đầu học, tốt nhì là vào khúc cuối và khả năng nhớ sẽ yếu ớt nhất ở giai đoạn giữa.
Áp dụng: Đầu tư nhiều thời gian hơn vào giai đoạn giữa. Tránh học hai môn học tương tự nhau liên tiếp (ví dụ như toán đại số và toán hình học). Sau khi học xong một môn, ngủ một giấc ngắn hay để qua hôm sau mới học môn tiếp theo.
7.10. Tận dụng sự lặp lại
Sự lặp đi lặp lại có một vai trò quan trọng trong các phương pháp giúp gia tăng trí nhớ. Theo thời gian, nó còn có thể trở thành một thói quen. Khi còn là một đứa bé con, chúng ta nghe và sử dụng tên mình thường xuyên đến nỗi nó trở thành một cụm từ không thể xóa nhòa được. Tuy đây không phải là cách duy nhất giúp bạn ghi nhớ nhưng nó là một trong những công cụ khá hiệu quả đấy.
Trí nhớ chúng ta chia làm hai loại: ngắn hạn và dài hạn, và hầu hết những gì ta tiếp nhận hàng ngày đều đi vào trí nhớ ngắn hạn. Ví dụ khi ta tìm một số điện thoại trong sổ, ta chỉ nhớ nó đủ lâu để quay số. Sau đó bạn nhanh chóng quên nó ngay. Đó chính là trí nhớ ngắn hạn. Để các dữ liệu trở thành một phần của trí nhớ lâu dài, bạn cần làm việc học của mình trở nên năng động hơn và bạn cần áp dụng chúng để có thể giúp chúng ghi khắc lâu hơn vào trong trí nhớ của bạn.
Bạn hãy thường xuyên ôn tập, lặp lại, và sử dụng những kiến thức mà bạn muốn nhớ. Hầu như những gì chúng ta học đều có thể trở nên quen thuộc, thậm chí trở thành một bản chất thứ hai nếu chúng ta sử dụng chúng thường xuyên. Vì vậy, hãy cố gắng ứng dụng chúng vào trong cuộc sống thường nhật của bạn.
Áp dụng: Ôn tập những gì bạn học sau đó 10 phút và lặp lại như vậy trong 48 tiếng đồng hồ tiếp theo. Hãy chia nhỏ thời gian ôn tập ra thành từng giai đoạn, ví dụ học 6 lần, mỗi lần 1 tiếng, thay vì chỉ học một lèo 6 tiếng. Bạn có thể làm theo một số gợi ý sau đây:
1. Làm những tấm cạc nhỏ và viết lên đó những thông tin mà bạn cần nhớ rồi mang chúng theo bên mình để có thể lấy ra xem lại bất cứ khi nào bạn muốn.
2. Làm những tấm áp phích nhỏ, trên đó bạn ghi những gì cần nhớ dưới những màu sắc sống động rồi dán nó ngay trên bàn học.
3. Nói chuyện với bạn bè về những gì bạn đã học. Việc thảo luận giúp cho bạn hiểu rõ và ghi nhớ chúng lâu hơn.
Hãy nhớ rằng có nhiều cách giúp bạn nhớ tốt hơn những kiến thức học tại trường. Phương pháp lặp lại trên đây chỉ là một trong các cách đó (và nó không phải lúc nào cũng là cách thú vị và hiệu quả nhất). Tốt nhất là bạn nên áp dụng nhiều cách khác nhau vì nó sẽ khiến cho bộ não bạn có nhiều sự lựa chọn hơn khi muốn nhớ lại một thông tin nào đó.
Tiếp tục series với Phần 8. Sức mạnh ngôn từ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét