Series Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết:
- Phần 1. Động cơ học tập
- Phần 2. Những thói quen thành công
- Phần 3. Môi trường học tập
- Phần 4. Chiến thuật học tập
- Phần 5. Kỹ năng đọc hiệu quả
- Phần 6. Kỹ thuật ghi chép
- Phần 7. Luyện tập trí nhớ
- Phần 8. Sức mạnh ngôn từ
- Phần 9. Kỳ thi
- Phần 10. Bí quyết 1%
CHƯƠNG 4. CHIẾN THUẬT HỌC TẬP
Nếu bạn chỉ là một học sinh trung bình thì chắc hẳn là bạn đã mất hàng ngàn giờ học tính từ lớp 1 đến lớp 12. Số lượng thời gian khổng lồ này có thể giảm xuống rất nhiều nếu bạn biết sử dụng những kỹ năng học một cách thông minh. Nhưng rất nhiều sinh viên vẫn chưa từng được dạy cách học như thế nào cho có hiệu quả, nói cách khác là họ chưa được trang bị kiến thức hay tự bản thân chưa có ý thức tốt về phương pháp học tập. Vì lý do này, nên chương sách bạn đang đọc tới đây chính là chương quan trọng nhất của cuốn sách nhằm trang bị cho bạn những kỹ năng mang tính „chiến lược‟, giúp cho việc học của bạn trở nên khoa học, hiệu quả và không mất quá nhiều thời gian. Hãy đọc và sử dụng nó!
Học tốt không đơn giản bao gồm việc đọc sách, gạch dưới những điểm quan trọng hay đọc đi đọc lại tài liệu. Quá trình học mới mà chúng ta sắp đề cập dưới đây gồm hàng loạt những kỹ thuật dựa trên sự linh hoạt của bộ não được thiết kế để làm cho việc học của bạn trở nên sống động và mất ít thời gian hơn phương pháp cũ của bạn. Mới đầu trông nó có vẻ dài hơn, nhưng mỗi bước lại tốn ít thời gian hơn và vì nó được sắp xếp rất khoa học nên bạn chắc chắn sẽ thành công hơn trong các bài kiểm tra. Nào, chúng ta cùng khởi hành nhé. Dưới đây sẽ là một kế hoạch học tập mới mà không cần phải nghi ngờ gì nữa, sẽ mang lại cho bạn những thành công liên tiếp.
4.1. Chuẩn bị, hỏi, thu thập và đánh giá
Đã rất nhiều lần, các sinh viên xuất sắc đã chứng tỏ được rằng học giỏi không đơn giản chỉ là việc dành hết thời gian ngồi đọc sách và đánh dấu những điểm cần lưu ý. Cách duy nhất để học một tài liệu là trở nên chủ động trong việc tiếp thu và lĩnh hội các tài liệu đó. Học là một quá trình chủ động chứ không phải là ngồi chờ đó và tiếp thu kiến thức một cách bị động. Vì vậy, hãy sẵn sàng. Chúng ta cùng bắt đầu cùng nhé!
4.1.1. Chuẩn bị tâm lý
Làm cách nào để chuẩn bị tâm lý cho việc học? Có rất nhiều cách hiệu quả. Hãy thực hiện những điều đơn giản dưới đây.
- Loại bỏ hết những thứ có thể làm bạn phân tâm. Cố gắng giảm lượng giấy tờ trên bàn học, dọn dẹp hết những tranh ảnh, truyện hay những thứ khác có thể làm bạn xao lãng.
- Vặn nhạc nhỏ xuống, hay là tắt luôn.
- Tìm chỗ ngồi học thích hợp có thể cho bạn tư thế ngồi học tốt, thẳng lưng, vừa tầm nhìn.
- Đặt một ly nước to gần đó.
- Mặc quần áo thoải mái, tránh loại quá chật.
- Xua tan mọi suy nghĩ lo âu bằng cách viết chúng ra giấy, cả những bước giải quyết tiếp theo để bạn khỏi cần phải nghĩ ngợi về chúng nữa. Ví dụ nếu bạn và một người bạn đang giận nhau thì hãy viết ra giấy bạn đã sai ở điểm nào, bạn muốn nói gì với người đó khi
gặp lại và cách hai người có thể giải quyết vấn đề với nhau. Đôi khi, điều bạn cần làm duy nhất chỉ là nói lời xin lỗi hay được người khác lắng nghe.
- Chắc chắn rằng phòng học của bạn có đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, không gian thoáng đãng.
- Lấy tài liệu ra và sắp xếp chúng lại theo từng loại. Xem thử bạn đã có những gì và đang thiếu thứ gì.
- Lấy bài tập ra xem bạn cần phải làm gì. - Hít sâu và thư giãn đầu óc.
Cuối cùng thì bạn đã sẵn sàng để học rồi. Nào, bây giờ lật tài liệu ra và bắt đầu đọc lướt qua.
Tai sao phải đọc lướt qua tài liệu? Việc này giúp chuẩn bị cho trí óc bạn về những gì sắp học. Bộ não bạn thì không được thiết kế tốt lắm để phải đối diện với những ý tưởng hay khái niệm lớn lao lúc mới bắt đầu việc gì. Nhưng mà nó lại rất giỏi trong việc tiếp cận với những ý tưởng sẽ trở thành những khái niệm lớn lao sau này. Việc xem lướt qua các tài liệu giúp chuẩn bị tâm trí bạn cho chủ đề học hôm đó và để nó có thể sẵn sàng tiếp thu khối lượng kiến thức nhiều hơn sau đó.
Phải đọc lướt qua những gì? Xem qua nguồn tài liệu mà bạn cần cho môn học đó. Ví dụ như:
- Sách giáo trình.
- Sách tham khảo mượn ở thư viện.
- Tạp chí chuyên ngành.
- Tập ghi chép trong lớp.
- Mục lục các đĩa CD-ROM. - Internet.
- Những bài viết nghiên cứu khoa học.
Đọc lướt qua như thế nào? Rất đơn giản:
- Không mất quá 5 tới 30 giây để lướt qua mỗi trang tài liệu.
- Chú ý tới tất cả các tiêu đề lớn, đề phụ và hình vẽ tóm tắt. Xem coi chúng có chứa những thông tin mà bạn cần tìm không.
- Ghi nhớ phần nào nằm ở vị trí nào trong các tài liệu để lát nữa bạn có thể quay lại nghiên cứu kỹ hơn.
Ví dụ, bạn sẽ xem nhanh qua một cuốn sách như sau. Bắt đầu bằng việc lật nhanh các trang sách để xem lướt qua nội dung. Trả lời ngắn gọn những câu hỏi sau:
1. Chủ đề chính của quyển sách là gì? 2. Bạn đã biết những gì về chủ đề đó?
3. Những thuật ngữ đặc biệt nào được dùng để trình bày chủ đề đó?
4. Tác giả là ai?
5. Quyển sách được bố cục ra sao?
6. Mức độ khó của nó như thế nào?
Tao ra một bản đồ tinh thần trong đầu. Bạn đã từng bao giờ cố gắng (hay dám) sắp xếp những mảnh ghép của trò chơi xếp hình mà không hề biết hình vẽ trên mặt ngoài hộp là như thế nào không? Gần như là vô vọng! Bộ não của bạn tiếp thu rất tồi những thông tin rời rạc như vậy, nhưng nó sẽ học rất tốt nếu biết được „bức tranh‟ lớn là gì. Thế bạn phải làm thế nào? Bạn chỉ cần mất vài phút để vẽ ra một sơ đồ hay hình vẽ mang tính tổng quát. Bạn không nhất thiết phải là một họa sĩ mới vẽ được như vậy. Bạn chỉ cần một tờ giấy, một cây viết và những suy nghĩ là đã có thể tạo ra một bản đồ tinh thần rồi.
Bắt đầu tổ chức lại suy nghĩ của bạn quanh cấu trúc của quyển sách. Quyết định xem bạn muốn học bao nhiêu phần của quyển sách này. Vẽ một bức hình về bố cục của nó. Bạn có thể vẽ theo kiểu hình cây, bong bóng, xương cá hay đơn giản chỉ là viết những thông tin quan trọng bên lề trái còn chi tiết bên lề phải. Hãy vẽ bản đồ này trước khi bạn đọc để giúp bộ não bạn sắp xếp và chứa dữ liệu. Sau mỗi chương hay mỗi phần, quay lại và ghi chú thêm. Dưới đây là một ví dụ minh họa:
- Kỹ năng học tập
- Môi trường
- Có mục đích và mục tiêu học tập
- Thu thập thông tin
- Đánh giá những gì đã học
- Thu thập tài liệu
- Đặt câu hỏi. Chuẩn bị „bản đồ‟
- Chuẩn bị
Trêm máy vi tính, bạn có thể lướt chuột nhanh qua các tài liệu. Hãy tìm mục lục hay những từ khóa chính bằng cách đánh vào ô tìm kiếm (search). Bạn có thể dừng lại ở những điểm thú vị để xem kỹ hơn. Ghi nhớ trong đầu bạn đã xem qua những gì và chúng ở đâu. Một khi bạn đã kết thúc bước khởi đầu này rồi thì việc đọc lướt qua các tài liệu coi như đã hoàn tất.
4.1.2. Đặt câu hỏi
Quá trình xem lướt giống như là giai đoạn chuẩn bị trước khi bạn thực sự bắt tay vào việc. Nhưng bây giờ đã đến thời điểm cho trí óc bạn hoạt động toàn lực đây. Vì bộ não làm công việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi rất tốt nên đầu tiên chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì tâm trí bạn lại càng muốn tìm kiếm lời giải đáp nhiều hơn. Bạn đã xem qua tài liệu rồi, như vậy bạn đã biết cái gì dễ, cái gì khó. Bạn cũng đã biết chỗ nào chứa những thông tin bạn muốn và chỗ nào chỉ là những „điều ngớ ngẩn‟. Nào, bây giờ hãy bắt đầu học thật sự nhé!
Chúng ta hãy đi „săn tìm‟ những câu hỏi phù hợp. Di chuyển nhanh nhanh nào, đọc lướt qua các chương sách với tốc độ nhanh hơn bình thường. Mục đích của bạn bây giờ là tìm xem cái gì là quan trọng và nó được trình bày như thế nào chứ không phải là đọc nó.
Có hai nhóm câu hỏi. Nhóm thứ nhất giúp bạn nhận diện mình muốn gì từ các tài liệu. Sau đây là những ví dụ minh họa về các câu hỏi như vậy, và chúng nên trở thành một phần trong thói quen trước khi đọc của bạn:
- Ta đọc tài liệu này để tìm những gì?
- Tài liệu này quan trọng đối với ta như thế nào?
- Những yêu cầu của giáo viên là gì?
- Ta có muốn nhớ lại những dữ liệu cụ thể và các chi tiết khác không?
Nhóm câu hỏi thứ hai thì liên quan đến nội dung tài liệu hơn. Để có thể hỏi những câu hỏi chất lượng trong giai đoạn trước khi đọc vào chi tiết, bạn sẽ muốn xem nhanh qua tài liệu trước tiên.
Xem hết các tiêu đề in đậm, chuyển chúng thành các câu hỏi mà bạn sẽ trả lời sau này.
Ví dụ:
- Tựa đề/Tiêu đề chính của chương: Các mô hình máy tính Các câu hỏi có thể là:
- Các mô hình máy tính là gì?
- Chúng hoạt động ra sao?
- Tại sao ta cần biết về chúng?
Sử dụng những từ chính (từ khoá): Có bao giờ bạn để ý khi bạn đang đọc một tài liệu nào đó, có một số từ dường như muốn nhảy ra khỏi trang sách và mời gọi sự chú ý của bạn? Chúng như muốn nói: “Ê, nhìn mình này.” Đó chính là những từ quan trọng trong thông điệp mà tác giả quyển sách muốn truyền đạt tới bạn. Chúng dễ thấy, và là những từ ngữ được lặp đi lặp lại để làm toát lên chủ đề và những ý tưởng trung tâm của tác phẩm. Chúng là những từ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của tài liệu. Bạn có thể dùng những từ đó để biến thành những câu hỏi hữu ích. Làm sao bạn có thể nhận ra những từ đó? Nó dễ hơn là bạn tưởng đấy. Những từ chính luôn được trình bày để bạn đọc dễ nhận thấy nhất. Chúng chính là những đầu đề, phụ đề, từ in đậm, in nghiêng hay là những từ có tần số xuất hiện cao nhất.
Khi bạn đọc một quyển sách, tạp chí hay những ấn phẩm khác, hãy đọc lướt qua một cách nhanh chóng. Cấu trúc của tài liệu luôn cung cấp cho bạn những gợi ý để đặt ra câu hỏi. Về cơ bản, tất cả những gì khác với bình thường đều là những từ bạn cần đặt câu hỏi. Tất cả những gì bạn cần làm là thêm vào những từ để hỏi như “tại sao, thế nào, cái gì, ai, ở đâu và khi nào”.
Trong quá trình đọc lướt qua tài liệu, bạn sẽ khám phá ra rằng luôn có một sự thôi thúc bạn phải tập trung vào một phần cụ thể hay những chi tiết nào đó. Tuy nhiên, hãy lờ những sự thúc giục ấy đi mà tiếp tục đọc với tốc độ nhanh của bạn - chiếm từ 2 đến 10 giây mỗi trang. Nếu bạn bắt đầu đọc vào chi tiết quá sớm thì bạn sẽ làm chậm tiến độ đọc của mình mà có khi lại mất quá nhiều thời gian vào những phần không liên quan gì tới mục đích của bạn. Điều đó có thể dẫn đến sự mất đà đi tới. Vì vậy, để tránh việc này, hãy cứ đọc thật nhanh, ghi nhớ vị trí những điểm quan trọng rồi sau đó quay trở về với những chi tiết.
Đọc nhanh qua tài liệu và xác định những gì sẽ gợi nên những câu hỏi trong đầu bạn. Chúng có thể là:
- Những câu có đánh dấu đầu hàng
- Tựa đề
- Phụ đề
- Mục lục
- Bìa trước và sau của sách
- Trang đầu tiên và trang cuối cùng của quyển sách
- Bảng chú dẫn
- Những từ in đậm
- Những từ in nghiêng
- Đoạn đầu và cuối của một phân đoạn
- Số liệu hay sơ đồ
- Tóm tắt chương
- Những câu hỏi trước và sau khi đọc
- Bất cứ thứ gì làm bạn chú ý
Ví dụ, nếu một tựa đề là “Bệnh dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21” thì bạn có thể đặt ra các câu hỏi sau: “Bệnh đó là gì?”, “Ai phát hiện ra nó?”, “Nó nghiêm trọng như thế nào?”, “Nó xảy ra ở đâu?”, “Ai đã bị nhiễm nó?”, “Chuyện gì xảy ra sau đó?”… Mỗi một dữ liệu nhỏ đều có thể biến thành câu hỏi. Câu hỏi thì có sức mạnh hơn nhiều so với câu trả lời.
Ban có thể sẽ nói: “Nhưng tôi cần lời giải đáp chứ đâu chỉ một mớ các câu hỏi làm gì!”. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các câu hỏi sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn là các câu trả lời xét về mặt lâu dài. Các câu hỏi sẽ cung cấp cho tâm trí bạn một mục tiêu để nó có thể bắt đầu quá trình „tìm kiếm và tìm thấy‟. Câu hỏi vẫn tiếp tục được xử lý ở nhiều mức độ rất lâu sau khi bạn đã tìm ra một câu trả lời. Câu hỏi kích thích sự suy nghĩ, câu trả lời thì không.
Bạn sẽ học được rất nhiều điều thông qua việc đọc nhanh và đặt câu hỏi. Có vẻ như đối với bạn, nó không giúp ích gì nhiều lắm cho việc học nhưng thật sự không phải như vậy. Bạn sẽ biết được ba loại thông tin sau:
1) Những nội dung quan trọng nhất
2) Cấu trúc cơ bản của tài liệu
3) Hàng ngàn từ, ý tưởng, hay ý nghĩa mà bạn lĩnh hội vô thức
Đôi khi, bạn sẽ thật sự tìm thấy mọi điều mà bạn cần biết chỉ thông qua quá trình đọc lướt. Đó là một trong những niềm vui bất ngờ của giai đoạn trước khi đọc vào chi tiết. Bạn sẽ biết được phải trông đợi những gì, và nơi cần tìm những thông tin quan trọng là ở đâu. Dần dần, giai đoạn này sẽ trở thành phần có giá trị nhất của toàn bộ tiến trình đọc của bạn.
Thay đổi „chiến thuật‟ đọc thông qua giai đoạn trước khi đọc (hay còn gọi là giai đoạn “đọc
tiền đề”)
Ý nghĩa của giai đoạn đọc tiền đề chính là để thu thập đủ thông tin trước khi quyết định đọc sâu hơn vào tài liệu. Giai đoạn này sẽ tạo nền tảng vững chắc, giúp cho cả quá trình đọc sau này mang tính hiệu quả cao nhất.
Tại giai đoạn này, bạn có lẽ muốn đặt ra cho mình những câu hỏi vô cùng quan trọng như “Đọc toàn bộ tài liệu này có cần thiết cho mục đích của ta không?”, “Thay vì vậy, liệu ta có thể tìm được những thông tin cần thiết nếu chỉ đọc một hay hai chương nào đó mà thôi không?”, hay “Ta phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để thỏa mãn mục đích của mình?”, hoặc “Ta chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản hay phải nắm được hết các chi tiết?”. Bạn cũng có thể hỏi mình một câu hỏi như “Ta muốn học chuyên sâu, hay chỉ đọc cho vui, hay là để giết chết thời gian?”
Nhiều sinh viên và những nhà kinh doanh thường phàn nàn rằng họ phải đối mặt với hàng đống tài liệu nhưng chẳng biết làm sao „tiêu thụ‟ cho hết. Thực sự, cái họ cần chính là tận dụng cho tốt giai đoạn đọc tiền đề. Mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Bây giờ đã là lúc được phải sử dụng giai đoạn tiền đề này để điều chỉnh „chiến thuật‟ của bạn. Ban cần đọc một phần hay toàn bộ tài liệu? Bạn có cần phải ghi chú những điểm cần lưu ý không? Bạn có cần sử dụng một cây bút đánh dấu không? Ban chỉ cần đọc vài trang thôi có được không? Đây chính là thời điểm để bạn đưa ra những quyết định cụ thể về những gì mà bạn sắp đọc tới đây. Bạn sẽ chẳng còn là một loại người giở trang đầu cuốn sách và miệt mài đọc cho tới trang cuối cùng nữa. Từ bây giờ trở đi, bạn sẽ đọc một cách thông minh, nhanh, và hiệu quả hơn.
Bạn chọn cái bạn cần đọc, cách bạn đọc nó, và phải làm gì với điều bạn đọc. Và kỹ năng này thật tuyệt! Hãy nhớ rằng, đó là một quá trình tích cực và chủ động. Cứ thoải mái ghi chú trong khi bạn đang tìm kiếm những câu hỏi – không cần gì chi tiết lắm đâu, nó có thể là bất cứ cái gì mà bạn thấy là quan trọng. Nhưng phải chắc chắn là bạn ghi lại tựa đề các chương, các phụ đề nhỏ và những ý chính vào tập. Việc này chỉ mất vài giây mỗi trang nhưng nó sẽ cho bạn những đầu mối quan trọng và sau này giúp bạn đọc nhanh hơn vì bạn đã được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những ý tưởng mới.
Hãy xem qua các biểu đồ, bản đồ, hình minh họa và tranh ảnh. Chúng sẽ giúp bạn nắm được nội dung mỗi điểm nhanh hơn. Sau đó hãy đọc phần tóm tắt hay các câu hỏi ở cuối mỗi chương. Phần tóm tắt thường rất hữu ích vì chúng chứa đựng những điểm mà tác giả cho là quan trọng nhất.
4.1.3. Thu thập câu trả lời
Như vậy là cho tới giờ bạn đã làm được hai việc rất quan trọng đối với việc đọc của mình: thứ nhất, đọc lướt nhanh để nắm được tổng thể cấu trúc tài liệu, sau đó chuẩn bị trong đầu một tư thế và thái độ sẵn sàng bước vào quá trình đọc nhanh, sâu hơn để có thể thu thập những thông tin mà mình mong muốn. Thật sự, nếu bạn nghĩ rằng mình đã quen thuộc và hiểu được tài liệu này thì thật tuyệt! Đó chính là điều mà bạn muốn có. Còn nếu bạn vẫn cảm thấy không chắc chắn hay mơ hồ về nó thì cũng tốt thôi, bạn sẽ có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều trong kho tàng tri thức vô tận này.
Bây giờ đã đến lúc tập trung hơn vào tài liệu đây. Đây là lúc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đã đặt ra. Hãy đọc kỹ từng chương sách để hiểu sâu hơn về những ý tưởng của tác giả. Sau mỗi trang hay mỗi ý chính, quay lại bổ sung thêm vào những ghi chú của bạn. Tránh đọc quá một trang mà không ghi chép gì cả. Đây là một kỹ năng quan trọng nhằm củng cố sự hiểu và trí nhớ của bạn đối với các thông tin mình nhận được. Tương tác với tài liệu bằng cách dùng từ ngữ của riêng mình liên tục tóm tắt nó trong tập ghi chép của bạn.
Cách học cũ ngày xưa thường là đọc, đọc và lãng quên. Hãy tập cho mình thói quen đọc và tương tác lại với tài liệu. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy rằng quyển sách tẻ ngắt nhất cũng trở nên thú vị. Thông thường chỉ cho tới khi bạn đọc xong toàn bộ chương sách thì bạn mới có thể đánh giá được những điểm nào là quan trọng nhất. Vì vậy, khi đọc, tốt nhất là bạn hãy dùng một cây viết chì để đánh dấu những điểm cần lưu ý để sau đó bạn có thể quay lại chỉnh sửa, tẩy xóa theo ý bạn. Tiếp tục đọc từng chương, từng phần, từng đoạn, đánh dấu những ý quan trọng và ghi chép, bổ sung thêm vào sổ ghi chép của bạn.
4.1.4. Đánh giá và tương tác lại tài liệu đọc
Như vậy là bạn đã học được cách tiếp nhận thông tin theo một cách hiệu quả hơn xưa rồi. Đây là một quá trình chủ động hơn nhiều, và mặc dù mới đầu, bạn phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức hơn nhưng nó xứng đáng để làm như vậy. Hãy cùng xem lại chúng ta đã có gì và chưa có những gì. Xem qua bản liệt kê tinh thần này nhé.
- Quay lại từ đầu tài liệu và đọc lướt nhanh qua để gợi lại trí nhớ của bạn.
- Trả lời các câu hỏi mà tác giả đặt ra sau mỗi chương.
- Trả lời những câu hỏi mà bạn đã đặt.
- Bạn có thể nhìn mục lục và nói về từng chủ đề, tiêu đề, phụ đề ở đó không?
- Bạn có thể học từ những ghi chép của mình không?
Khi bạn đã quen với những loại câu hỏi này thì bạn sẽ trở thành một người học thành công và hiệu quả hơn. Tại sao? Bởi vì một phần của khả năng thành công trong học tập là biết cái bạn không biết và biết cần đặt ra những câu hỏi nào. Cho tới giờ, mục tiêu của bạn là nắm được những ý nghĩa, khái niệm, và thông tin chính từ những quyển sách dày cộm của mình.Với bất cứ môn học nào bạn cũng làm được như thế.
Sách học của bạn thường được viết bằng những thuật ngữ mang nặng tính học thuật bởi những nhà khoa học, các giáo sư hay những tác giả chuyên môn làm cho bạn thấy chúng khó hiểu và khó nhớ. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết được khó khăn này một cách dễ dàng. Bạn hãy dùng ngôn ngữ riêng của mình hay vẽ những sơ đồ giúp bạn học bài nhanh hơn. Bạn cũng có thể muốn xét đến những kết luận mà tác giả muốn nói thông qua bài viết. Bạn có đồng ý với họ không? Tại sao tác giả quyển sách lại đưa ra những kết luận đó? Nếu bạn không đồng ý, thì theo bạn, tác giả còn thiếu sót ở điểm nào? Khi đặt ra những câu hỏi này, bạn đã thật sự hòa nhập vào quyển sách và ít nhiều những suy nghĩ mà tác giả có khi viết nên nó.
4.2. Tạo nên ý nghĩa
Ý nghĩa là một phần rất quan trọng của cả quá trình học. Cách chúng ta cảm nhận về những gì đang học sẽ thay đổi cách chúng ta lĩnh hội chúng. Đơn giản là, khi chúng ta quan tâm hay yêu thích một đề tài nào đó thì ta sẽ cảm thụ và học nó được nhanh và nhiều hơn (vì nó có nhiều ý nghĩa với bạn) so với những gì ta cảm thấy không mấy thiết thực và liên quan tới mình.
Việc tìm kiếm ý nghĩa là một yếu tố bẩm sinh. Lúc nào bạn cũng đang tìm ra ý nghĩa của những gì đang diễn ra quanh bạn. Thỉnh thoảng bạn cần thời gian để đi vào bản chất bên trong và tạo ra những ý nghĩa của riêng bạn về việc học. Nhưng trong khi việc tìm kiếm ý nghĩa là điều tự nhiên thì thành công của sự kiếm tìm đó vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Không có điều gì có ý nghĩa trừ khi bạn cho nó một ý nghĩa riêng của bạn.
Có ba cách chủ yếu giúp bạn tạo ra ý nghĩa của một điều gì đó. Mặc dù có thể bạn không chủ ý thực hiện chúng nhưng chúng vẫn cứ xảy ra. Đó là:
1) Sự liên quan.
2) Cảm xúc.
3) Bức tranh tổng thể.
Bất cứ điều nào trong những yếu tố vừa kể trên đều sẽ giúp bạn tìm ra ý nghĩa. Hai hay ba trong số chúng sẽ lại càng tạo ra một ý nghĩa mạnh mẽ hơn.
4.2.1. Tạo ra sự liên quan
Những gì bạn nghe hay thấy trước đây đều được bộ não bạn xử lý theo những cách khác nhau. Những điều nào có liên hệ gần gũi với bản thân bạn thì bạn sẽ hiểu nó nhiều hơn. Sự liên quan có giá trị thế nào đối với việc tạo ra ý nghĩa? Không có gì là phức tạp cả. Bạn đã tạo ra một thanh nam châm trong đầu để khi bạn thấy chúng lần nữa, chúng sẽ trở nên quen thuộc hơn với bạn. Ở những tài liệu mà bạn đã có sẵn kiến thức nền tảng thì việc đọc sẽ trở nên nhanh hơn. Trong việc đọc sách có một số cách giúp bạn tạo ra sự liên quan.
Điều cần làm:
Một trong những cách tốt nhất giúp bạn gia tăng tốc độ đọc của mình là đọc những gì cơ bản, đơn giản, dễ hiểu của cùng một đề tài đó. Việc này sẽ mang lại cho bạn những từ ngữ liên quan, những kiến thức nền tảng giúp bạn thấy dễ dàng hơn khi đọc những tài liệu khó hơn về cùng đề tài đó. Một cách khác cũng rất hiệu quả là giai đoạn đọc lướt ý chính trong tài liệu. Như chúng ta đã cùng thảo luận, bạn chỉ cần đọc nhanh trung bình từ 1 đến 5 giây mỗi trang. Nó có tác dụng tốt vì ở tốc độ đó, thay vì đọc sâu, bạn có thể tạo ra những sự liên hệ, thiết lập mục đích, đặt những câu hỏi liên quan, sơ đồ hóa cấu trúc và nắm được những nội dung chính của tài liệu.
Bây giờ thì bạn đã có thể liên hệ tài liệu đọc với tập ghi chép bài giảng trong lớp chưa? Nếu chưa, giờ bạn có thể dành thời gian nhớ lại các tài liệu của bạn không? Việc này cũng quan trọng như khi đọc chúng. Nếu những ghi chép của bạn không rõ ràng thì hãy viết lại chúng và sắp xếp các thông tin xoay quanh các ý chính. Hãy nghĩ về những khái niệm đã được trình bày trong chương này và cố giải thích chúng bằng ngôn ngữ của bạn xem sao.
4.2.2. Tạo ra cảm xúc
Bạn có thấy rằng mình nhớ tốt hơn khi đọc những gì thật đáng sợ, buồn bã, vui vẻ hay kinh khủng không? Những cảm giác này tác động tới các cơ quan giác quan của bạn và não bạn sẽ phản ứng lại những tình cảm đó. Nó sẽ phóng ra những hóa chất giúp lọc ra và ghi nhận những gì quan trọng và ý nghĩa nhất.
Những tình cảm yêu thích sẽ khiến bạn thấy một quyển sách nào đó có ý nghĩa hơn đối với mình. Bộ não cũng có thể mang lại ý nghĩa cho những gì bạn ghét. Đó chỉ là một quá trình hóa học tự động - bạn có xúc cảm với cái gì thì nó sẽ trở nên có ý nghĩa hơn đối với bạn.
Trong việc học, bạn cũng có thể lợi dụng hiện tượng này. Bạn càng có cảm giác mạnh mẽ về những gì bạn đọc thì bạn lại càng có nhiều khả năng nhớ nó lâu hơn và thấy chúng có ý nghĩa hơn. Một điều rất hay về điều này là nó có tác dụng hai chiều: ghét hay không đồng ý với điều gì đó cũng tạo nên ý nghĩa mạnh mẽ như thích hay đồng tình với nó.
Điều cần làm
Trong khi đọc, thỉnh thoảng hãy dừng lại và xem bạn cảm thấy như thế nào về những điều trong sách. Phản ứng tệ nhất là… không có phản ứng gì cả. Tạm thời dừng lại và để cho những cảm giác đó trở nên mạnh mẽ hơn trong bạn. Bạn có thể nói lớn ra những gì bạn đọc để cho cảm giác càng thấm sâu hơn. Hãy tạo ra cảm giác, tranh luận với người nào đó về nó hay phản bác nó.
Cảm xúc càng rõ nét bao nhiêu thì đề tài đó càng trở nên có ý nghĩa với bạn bấy nhiêu.
4.2.3. Đặt vào một bức tranh tổng thể
Một khi bạn đã nắm bắt được một bức tranh tổng thể rồi thì tất cả những mảnh ghép còn lại sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Như chúng ta đã nói trước đó, một trò chơi xếp hình thì sẽ dễ hoàn tất hơn nhiều nếu bạn biết bức tranh cuối cùng của nó có hình dạng như thế nào. Cầm một mảnh hình lên, nhìn vào hình vẽ trên bìa hộp và đặt nó vào nơi mà nó vừa khít. Thật là dễ dàng và dễ chịu làm sao.
Đó là bởi vì, nếu bạn không trải qua giai đoạn đọc lướt trước khi đọc sâu, thì bạn sẽ thấy mình luôn tự hỏi: “Tác giả quyển sách này muốn đi tới đâu nhỉ? Ông ta muốn nói lên cái gì về những ý tưởng này nhỉ?”. Bạn có thể sẽ không tìm được lời giải đáp mãi đến khi bạn đã mất nhiều thời gian đọc gần hết quyển sách. Việc đọc lướt tổng thể giống như cầm trong tay tấm bản đồ khi bạn vừa đến một thành phố xa lạ. Khi bạn đã có bản đồ rồi thì bạn có thể đi lại thoải mái hơn. Nhưng làm sao bạn có được tấm bản đồ này?
Dưới đây là một vài ví dụ những điều mà các sinh viên ưu tú khác đã làm:
- Thực tập nhớ lại các thông tin có hay không có tập ghi chép hỗ trợ.
- Học cách học và phản ánh lại kiến thức càng nhiều càng tốt từ những ghi chú riêng của mình. Chắc chắn là những ghi chú đó sẽ dễ hiểu hơn nhiều những từ ngữ dông dài và phức tạp của tài liệu bạn đã đọc.
- Tránh đọc đi đọc lại các tài liệu. Kể từ bây giờ tốt nhất là bạn chỉ nên đọc lướt nhanh qua, và đặt ra hay tìm kiếm các câu hỏi hay câu trả lời.
4.3. Để nhớ bài tốt hơn
Có nhiều cách giúp bạn nhớ những gì đã học lâu dài hơn. Yếu tố quan trọng duy nhất chính là bạn phải xử lý quá trình học - có nghĩa là bạn phải làm gì đó với nó. Nếu chỉ đọc rồi lại lãng quên thì đó quả là một cách sử dụng thời gian rất tồi. Nếu việc học là quan trọng thì việc nhớ lại những gì đã học cũng quan trọng không kém. Chương sau sẽ được dành toàn bộ để nói về cách làm thế nào để khắc những gì đã học vào ký ức lâu dài của bạn. Dưới đây tôi xin giới thiệu trước với các bạn một số mẹo cụ thể:
- Tạo ra một cảm giác mạnh mẽ với tài liệu đọc.
- Ôn lại những gì đã học trong vòng 10 phút, 48 tiếng và 7 ngày.
- Dán chúng lên tranh ảnh hay áp phích, dùng những màu thật nổi.
- Tóm tắt lên giấy bằng những từ riêng của bạn.
- Ôn tập lại trong những môi trường giác quan khác nhau, ví dụ như sử dụng mùi hương thơm nhẹ.
- Thực hành và áp dụng những gì đã học vào đời sống thực tế của chính bạn.
- Tải tài liệu xuống máy tính để có thể ôn lại lần sau.
- Học bài bằng cách hát nói theo giai điệu của một bài nhạc ráp.
- Sử dụng những tình huống thực tế để thực tập nếu có thể.
- Tranh luận với bạn bè về đề tài đó.
- Tập viết một bài luận về đề tài bạn vừa học.
Việc sử dụng những mẹo nhỏ này, mà chúng ta sẽ nói kỹ hơn ở những chương tới, sẽ là một trong những sự đầu tư xứng đáng nhất của bạn. Hãy nhớ là, điều quan trọng không phải là những gì bạn biết mà là việc liệu bạn có biết nó khi bạn thật sự cần nó không (ví dụ ở các kỳ thi chẳng hạn). Thường thì các kỳ thi là những bài kiểm tra khả năng suy nghĩ, viết, và trí nhớ của bạn về những gì đã học chứ không phải chỉ là những kỹ năng đọc của bạn. Vì vậy hãy thực tập việc suy nghĩ, khả năng viết lách và sự nhớ lại những gì bạn đã học thông qua những mẹo nhỏ mà tôi vừa giới thiệu trên đây. Chúc bạn thành công!
Tiếp tục series với Phần 5.Kỹ năng đọc hiệu quả
0 nhận xét:
Đăng nhận xét