[Phần 8] Sức mạnh ngôn từ - Phương pháp học tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết

Phương pháp học tập hiệu quả có thể bạn chưa biết?

CHƯƠNG 8. SỨC MẠNH NGÔN TỪ

Nếu bạn nghĩ rằng vốn từ ngữ phong phú sẽ giúp bạn đạt kết quả cao trong học tập thì bạn đã đúng rồi đấy. Gần như trong mọi lĩnh vực, người thành công thường là người nắm bắt và tận dụng được sức mạnh của ngôn từ. Các học giả tin rằng khả năng ngôn ngữ là rất quan trọng, vì thế trong các bài kiểm tra chỉ số thông minh, luôn có một  phần dành hẳn để kiểm tra trình độ ngôn ngữ của bạn. Những sinh viên có khả năng biểu đạt đa dạng thường học tốt không chỉ văn chương, ngoại ngữ mà còn trong cả toán, các môn khoa học và kinh tế… Và lý do họ giỏi không phải là vì họ thông minh hơn bạn mà là vì họ có khả năng thể hiện mình bằng ngôn ngữ tốt hơn. Thế thì, ta phải làm gì để cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình?

8.1. Mở rộng lĩnh vực đọc của bạn

Để mở rộng vốn từ của bạn thì phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất chính là đọc càng nhiều tài liệu càng tốt. Theo thời gian, những từ ngữ đó sẽ ngấm vào bạn và sẽ là một nguồn bổ trợ quý giá trong quá trình diễn đạt của bạn. Hãy mở rộng phạm vi đọc của bạn càng xa càng tốt. Để cải thiện vốn từ, bạn hãy đọc những sách, báo hay tạp chí ấn hành từ các nhà xuất bản uy tín trong nước. Đọc những tài liệu đó sẽ giúp bạn học thêm được nhiều từ mới và giúp bạn tiếp cận với nhiều loại văn phong của các tác giả khác nhau làm phong phú thêm khả năng diễn đạt. Bạn có thể tìm đọc chúng trên mạng hay vào thư viện.

8.2. Thử dùng từ mới

Hãy cố gắng trang bị cho mình một cuốn từ điển tốt và tập thói quen sử dụng nó để dò tìm và học những từ mới, lạ. Đặc biệt nếu bạn đang theo học ngoại ngữ thì việc sắm được cho mình một cuốn từ điển tốt sẽ mang lại cho bạn một công cụ hỗ trợ hết sức hiệu quả. Từ điển tốt phải là cuốn có những giải thích rõ ràng, chuẩn xác, cung cấp những ví dụ đa dạng, phong phú, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Hãy sử dụng từ mới càng nhiều càng tốt, dù có thể lên tới mức độ „lạm dụng ngôn từ‟. Không sao, bạn đang học mà, phải không, mà học thì phải thực tập càng nhiều càng tốt chứ. Đặt ra mục tiêu học một từ mới mỗi tuần, không quá nhiều phải không? Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy vốn từ vựng của mình gia tăng nhanh chóng. Khi trò chuyện hàng ngày, thêm những từ mới học vào một cách ý thức và đầy chủ ý, thậm chí có thể hơi gượng gạo lúc đầu, cho đến khi bạn hoàn toàn thoải mái khi sử dụng chúng. 

8.3. Giao du với những người giỏi sử dụng ngôn ngữ

Những người ăn nói khéo léo, có khả năng thể hiện, trình bày tốt bằng ngôn ngữ thường có một tác động nhất định tới những người xung quanh. Khả năng diễn đạt phong phú của họ sẽ khuyến khích việc bạn sử dụng những từ mới. Mức độ giao tiếp của bạn thay đổi tùy đối tượng mà bạn đang tiếp xúc. Một giảng viên đại học phải đơn giản hóa ngôn ngữ mà mình dùng để giải thích cho một sinh viên mới nhập học về cách vận hành một máy móc. Tuy nhiên cũng cùng người đó sẽ sử dụng những ngôn ngữ phức tạp hơn hoặc những thuật ngữ chuyên môn khi nói chuyện với một người đồng nghiệp. Việc giao du thường xuyên với những người có nguồn từ ngữ phong phú, có khả năng diễn đạt tốt sẽ giúp bạn gia tăng vốn từ và kỹ năng giao tiếp của bạn.

8.4. Tập thói quen sử dụng từ điển 

Kho tàng ngôn ngữ của chúng ta vô cùng phong phú với các từ ngữ đa dạng, giàu sắc thái tình cảm. Dù là người bản ngữ nhưng chúng ta cũng chỉ mới phần nào hấp thụ được một số lượng từ ngữ nhất định, và thật đáng tiếc nếu chúng ta không biết tận dụng tối đa kho tàng ngôn ngữ phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt. Vì vậy, việc có một cuốn từ điển trong nhà cũng không phải là điều gì quá lạ lẫm mà nhất thiết chúng ta phải tập cho được thói quen sử dụng chúng như một phương tiện hỗ trợ đắc lực. Điều này càng quan trọng hơn đối với các sinh viên ngoại ngữ để có thể học tốt một thứ tiếng xa lạ. Bất cứ khi nào được đọc hay nghe thấy một từ lạ lẫm hoặc không hiểu, hãy dùng từ điển. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi dò tìm một chữ trong từ điển là bạn không nên chỉ dừng lại ở đó. Hãy tận dụng mọi cơ hội trong giao tiếp hàng ngày để sử dụng chúng, làm chúng trở thành một phần thiết yếu trong vốn từ của bạn. 
Từ điển đồng nghĩa là một loại sách rất thú vị nếu bạn muốn tìm hiểu thêm những từ ngữ tương đương của một từ nào đó. Ví dụ đối với từ „chuyên gia‟, bạn có thể thấy liệt kê rất nhiều từ tương tự khác như nhà khoa học, thần đồng, thiên tài, cố vấn, học giả… Cứ thử liếc qua từ điển đó đi, bạn sẽ thấy rất nhiều từ thú vị và cách dùng từ của bạn sẽ ngày càng trở nên uyển chuyển và đa dạng hơn.

8.5. Chú ý lỗi chính tả

Có lẽ tôi nói điều này cũng không phải thừa khi ngày nay, càng có nhiều giáo viên than phiền về tình trạng viết sai lỗi chính tả của các bạn học sinh sinh viên, kể cả những người có học vị cao. Bạn sẽ nghĩ gì khi „thưởng thức‟ bài viết của một sinh viên đại học mà lại nguệch ngoạc đầy những lỗi chính tả. Đó chắc chắn là điều không thể chấp nhận được. Trong bài kiểm tra, dù bạn có hoàn thành nội dung các câu trả lời xuất sắc đến mấy thì những lỗi chính tả đó đây của bạn sẽ khiến người chấm bài bực mình, mất thiện cảm và bạn sẽ phải chịu những thiệt thòi nhất định. Đặc biệt đối với sinh viên ngoại ngữ, chính tả cũng là một trong những khó khăn lớn đối với người học và các bạn lại phải càng chịu khó để ý và luyện tập để khắc phục khó khăn này.
Hãy bắt đầu để ý tới chính tả của từ ngữ khi bạn học sách, báo, tài liệu hay giáo trình. Nắm kỹ những nguyên tắc ngữ pháp, cấu trúc câu hay cách viết một bài luận. Khi một bài viết được giáo viên trả lại, hãy để ý kỹ đến các lỗi chính tả. Đối với các bạn đến từ các vùng địa phương thì lại phải càng cẩn thận hơn, thỉnh thoảng nhờ người khác dò hộ bài cũng giúp bạn giảm thiểu được vấn đề này đó.
         
Tiếp tục series với Phần 9. Kỳ thi

2 nhận xét: