[Phần 5] Kỹ năng đọc hiệu quả - Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết

CHƯƠNG 5. KỸ NĂNG ĐỌC HIỆU QUẢ

Vì bạn đã bước được tới chương sách này rồi nên tôi có thể tin chắc là mình đúng khi nói rằng bạn biết đọc. Trên thế giới này có hàng triệu người không biết đọc và cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với họ. Họ không thể nào hiểu được những thông báo đơn giản, họ có thể bị lạc ở sân ga, phi trường, trên xa lộ, trong những tòa nhà cao tầng. Họ không thể đọc các bảng hiệu, không thể so sánh chất lượng hàng hóa khi đi mua sắm, không thể thưởng thức được nhiều chương trình TV thú vị. Họ cũng đánh mất niềm vui  lớn lao khi được thưởng thức một quyển sách hay. Họ không thể nào điền cho xong được một phiếu ghi đơn giản, từ một tờ đơn nộp thi bằng lái xe hay là đơn xin việc. Cuộc sống có thể ít nhiều khắc nghiệt với bạn nếu bạn không biết đọc. Vì vậy, nếu bạn đã biết đọc rồi thì hãy tận dụng triệt để các lợi điểm của nó.

5.1. Tập đọc nhanh

Chương sách này được viết nhằm giúp bạn trở nên biết cách đọc tốt hơn để mà, nếu bạn có rất ghét đọc một số tài liệu nào đó, thì giờ bạn có thể mất ít thời gian bị nó tra tấn hơn. Phần đầu này của chương sẽ nói về cách làm sao để có thể đọc nhanh – một kỹ năng thiết yếu cho sự thành công trong học tập. Nó giúp bạn cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng, mang lại nhiều niềm vui và tạo ra thêm nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé.

5.1.1. Thái độ tích cực

Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể đọc nhanh gấp hai lần bây giờ không? Bộ óc con người có khả năng nhìn thấy và hiểu được các tài liệu nhanh gần bằng tốc độ của một người lật các trang sách. Đáng ngạc nhiên là bây giờ có rất nhiều người vẫn có thể đọc nhanh đến vậy. Triết gia nổi tiếng người Anh John Stuart Mill có thể đọc xong một trang trong vòng năm giây. Tổng thống Teddy Roosevelt và John F. Kennedy cũng có khả năng như vậy. Nếu người khác làm được thì tại sao bạn lại không thể? Không ai biết được những giới hạn cao hơn của con người trong việc đọc. Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới tốc độ đọc của bạn.
      Do bản thân tài liệu: Nó được in chữ to hay chữ nhỏ? Có nhiều tranh ảnh trong đó không? Nó có rõ ràng, dễ đọc không? Nó có được một tác giả uy tín viết không?
      Do nhu cầu của bạn: Bạn cần hiểu rõ tài liệu ở mức độ nào? Bạn chỉ cần hiểu chung chung về nó thôi phải không? Hay bạn muốn hiểu rõ từng chi tiết và cần phải phân tích nó?  
      Do kiến thức nền của bạn: Thường thì một nhà khoa học có thể đọc một quyển sách chuyên môn nhanh hơn người thường vì tài liệu đó đòi hỏi một số kiến thức nền về nội dung.
      Do hoàn cảnh đọc: Khi đọc bạn có tỉnh táo không? Ánh sáng, không khí trong phòng như thế nào? Lúc đó bạn đang khỏe khoắn hay mệt mỏi? Bạn ngồi đọc ở loại bàn, ghế nào?

Những yếu tố nói trên hoàn toàn có thể giải quyết được và các tác động tiêu cực của chúng sẽ được tối thiểu hóa. Việc này cần một ít thời gian nhưng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. 
Bây giờ, trước khi chúng ta bắt đầu, bạn còn nhớ những nhân vật có khả năng đọc nhanh mà chúng ta vừa đề cập mới đây chứ? Họ có khả năng đó không phải là vì họ sinh ra đã là như vậy. Họ đã học cách đọc nhanh. Làm cách nào? Họ đã thực hiện được một số điều đúng đắn sau. Dưới đây là những điều họ đã làm.

5.1.2. Đặt ra các mục tiêu giúp bạn tập trung

Tại sao bạn phải đặt ra các mục tiêu ngay cả khi bạn còn không chắc là bạn có thể đạt được chúng hay không? Đơn giản thôi. Bởi vì các mục tiêu khiến tâm trí bạn tập trung. Chúng cho phép bạn loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng cho tới khi bạn đạt được những gì mình đã đề ra. Bạn càng quyết tâm với các mục tiêu của mình bao nhiêu thì bạn càng có nhiều khả năng có được chúng hơn. Hãy bắt đầu với một niềm tin là bạn có thể thành công. Hãy cam kết với bản thân là mình chắc chắn sẽ làm được điều đó. Đừng bao giờ hỏi là liệu mình làm được nó hay không. Đừng hỏi bằng cách nào mà hãy hỏi khi nào.
Cả mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn đều quan trọng như nhau. Những mục tiêu ngắn hạn giúp bạn quyết định cần làm gì trong vài phút hay vài tiếng đồng hồ tới. Bạn muốn làm gì tối nay? Hãy viết chúng lên một mảnh giấy và dán nó trên tường ngay trước mặt bạn. Các mục tiêu dài hạn của bạn thì cũng rất quan trọng. Chúng có thể là cho học kỳ này, cho cả quá trình học tập hay cho cả cuộc đời bạn. Đôi khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho các mục tiêu ngắn hạn, những lúc khác bạn lại nghiêng nhiều về các mục tiêu dài hạn. Bạn sẽ luôn tìm thấy được sự cân bằng.

5.1.3. Sử dụng “cặp mắt lười biếng”

Hồi còn nhỏ, ta thường được dạy phải nhìn vào chữ rồi đọc lên. Vì vậy, chúng ta đâm ra có thói quen lẩm nhẩm khi đang đọc. Việc này làm tốc độ đọc của ta giảm xuống và có thể dẫn đến sự chán nản. Nó cũng khiến sự tập trung không còn cao, vì thế khả năng tiếp thu và tốc độ cũng giảm sút. Thật là một vòng tròn tai hại!
Các bạn sinh viên thường nói: “Tôi không thể đọc nhanh hơn được. Tôi có quá nhiều thói quen xấu.” Quả đúng là có một số thói quen không tốt đã làm chậm nhịp đọc của các bạn. Và nếu chúng ta đã hiểu được những thói quen xấu của mình thì chắc chắn ta cũng sẽ tạo ra được những thói quen tốt hơn nếu chúng ta thật sự có quyết tâm làm điều đó. Chúng ta hãy cùng nhau xem qua một số thói quen làm giảm tốc độ đọc của bạn nhé.
-          Lẩm nhẩm theo khi đọc.
-          Quay trở về đọc lại những phần đã đọc.
-          Dừng lại và nhìn chăm chăm vào một chữ nào đó.
-          Mất tập trung và đọc lang thang.
Những thói quen xấu này gây ra sự mỏi mắt, nhức mắt, chán nản, tốc độ đọc chậm và khả năng hiểu kém.
Nhưng điều đó không phải là vì bạn thiếu khả năng mà là vì bạn chưa có đủ sự tập luyện. Chúng ta thường được bảo là phải đọc ở tốc độ 100 đến 300 từ/phút, vì thế chúng ta đâm ra cứ nghĩ rằng đó là tốc độ đọc bình thường của ta. Nhưng bạn sẽ rất dễ cảm thấy chán nếu đọc quá chậm. Mỗi loại tài liệu đều có tốc độ đọc tối đa mà bạn có thể vươn tới được, chủ yếu dựa trên nền tảng kiến thức của bạn về đề tài đó. Nhưng bây giờ vì bạn đã hiểu nghĩa và biết cách phát âm các chữ thì bạn có thể đọc lướt nhanh qua chúng với “cặp mắt lười biếng” chứ cần gì phải chăm chú nhìn chúng thật lâu như thể chúng đang chứa đựng bí mật của vũ trụ vậy.
Sử dụng “cặp mắt lười biếng” có nghĩa là nhìn bao quát cả một khu vực chứ không chỉ chăm chăm vào một con chữ. Việc này có thể tránh cho bạn phải quay về và đọc lại một phần nào đó (tốn mất khoảng 1/6 thời gian đọc của bạn). Nó cũng ngăn bạn  có thói quen nhìn chăm chú vào một từ hay cụm từ nào đó. Nói cách khác, sẽ tốt thôi nếu mắt bạn thả lỏng một chút để nhìn những nhóm chữ lớn thay vì những cụm từ riêng lẻ. Và để đạt được điều này bạn cần phải luyện tập chút đấy.

Thực hành

Việc thực tập này đòi hỏi một quyển sách lớn và sự vận dụng của cả hai bàn tay.
-          Lướt qua các trang sách nhanh chóng, tay trái lật sách và kéo ánh mắt từ đầu tới cuối trang theo tốc độ của gờ tay phải đang miết dọc theo trang sách. Các ngón tay của bạn phải mở rộng và thả lỏng.
-          Ánh mắt lướt theo sự chuyển động của tay phải, cố gắng đọc càng nhiều chữ càng tốt.
-          Mới đầu dành cho mỗi trang sách từ 2 đến 3 giây, sau đó dần dần giảm thời gian xuống nhanh bằng tốc độ bạn có thể lật trang sách.
-          Đo thời gian cho chính bạn, mới đầu khoảng 20 trang/phút, dần dần tăng lên 100 trang/phút trong vòng từ 1 tới 2 tháng. Việc thực tập này sẽ giúp mắt bạn mỗi một lần nhìn thấy được nhiều từ hơn bằng cách tránh tập trung tầm nhìn vào từng từ riêng lẻ. 
-          Mỗi ngày luyện tập 5 phút trong một vài tuần.

Phải nhớ rằng chỉ qua luyện tập bạn mới có thể đọc nhanh lên được. Đọc là một kỹ năng, và cũng giống như bất cứ một kỹ năng nào khác, bất cứ sự hướng dẫn kỹ càng nào nhất  cũng không thể giúp bạn nắm được nó mà phải do bạn tự mình thực tập lấy. Quan trọng là mỗi một lúc bạn phải học cách nhìn nhiều từ hơn. Vài phút luyện tập một ngày không chiếm quá nhiều thời gian của bạn, phải không nào?

5.1.4. Điều chỉnh nhịp độ đọc của bạn

Có phải mọi thứ đều có ý nghĩa như nhau? Mọi tài liệu đều có độ khó giống nhau? Có phải bạn có cùng lượng kiến thức về mọi chủ đề? Cùng mối quan tâm tới chúng? Dĩ nhiên là không. Hãy học cách đọc những thứ khác nhau với nhịp độ khác nhau.
Ví dụ khi bạn đọc những tài liệu chuyên ngành hay mang tính thuật ngữ cao thì bạn có thể đọc với tốc độ bằng nửa mức thường đọc. Còn khi bạn đọc những tài liệu dễ hơn thì hãy tăng tốc lên và bạn sẽ thích thú khi thấy mình đọc được nhiều hơn. Có một quan điểm sai lầm là việc đọc nhanh sẽ hủy hoại đi niềm vui khi đọc sách. Điều này không đúng. Khi còn ở phổ thông cơ sở, chắc chắn là bạn chỉ có thể đọc ở khoảng từ 10 đến 30 từ/phút. Còn bây giờ bạn đã có thể đọc tới 100 hay có thể 300 từ/phút – gấp 10 lần! Vậy bạn có đánh mất niềm vui khi đọc sách không? Dĩ nhiên là không, và thật ra, bạn có lẽ còn cảm thấy thích thú hơn nhiều so với khi bạn đọc quá chậm.
Bạn có thể lướt nhanh qua các bài tạp chí hay đọc chậm hơn cho vui. Sách giáo trình nên được đọc theo hai cách: đọc lướt ý chính trước, sau đó „đọc để học‟. Hãy xác định mục đích của bạn và đọc theo một tốc độ nào đó để đạt được mức độ hiểu mà bạn mong muốn. Khi mục đích của bạn là đọc để giải trí thì hãy đọc nhanh hơn bình thường. Còn khi bạn muốn đọc để hiểu cho sâu thì hãy đọc chậm lại tới mức cần thiết. Cốt sao là để thỏa mãn mục đích của bạn mà thôi nhưng điều quan trọng là bạn phải cố tập luyện để ngày càng gia tăng tốc độ đọc hiểu của mình hơn. 

5.1.5. Thực hành đọc nhanh

Bạn phải thực hành đọc nhanh như thế nào? Hãy đọc sách, báo, tiểu thuyết, tạp chí và những tài liệu khác. Đọc là một kỹ năng và càng sử dụng nó nhiều thì kỹ năng của bạn càng trở nên sắc sảo.
Nếu bạn dễ dàng thấy mệt mỏi và mắt bạn dường như lờ đờ hẳn đi thì hãy xem xét hai khả năng sau. Thứ nhất, bạn hãy đi kiểm tra lại mắt, có thể bạn cần phải đeo kính hay tăng thêm độ. Có một cách nữa có thể giúp bạn đọc nhanh hơn. Nó thường hay bị coi nhẹ nhưng lại rất hiệu quả: thay đổi khoảng cách tài liệu đọc so với mắt. Đưa sách  ra xa hơn so với khoảng cách bình thường từ 10 đến 15 cm. Mắt bạn sẽ đỡ phải hoạt động vất vả hơn vì vật càng cách xa mắt bao nhiêu thì mắt càng  ít phải điều tiết để nhìn thấy vật bấy nhiêu. Vì vậy, hãy nhớ cầm sách cách mắt ít nhất 35 cm, bạn sẽ cảm thấy thích thú khi đọc sách nhanh hơn mà lại giảm được sự mệt mỏi cho mình.

5.2. Tập đọc hiểu

Rất nhiều học sinh sinh viên gặp khó khăn trong việc hiểu được những tài liệu đọc của mình. Chúng dường như luôn là một điều bí ẩn, là một công việc nhọc nhằn và mất quá nhiều thời gian nhưng lại chẳng mang lại tác dụng bấy nhiêu. Nhưng thật ra chẳng có gì bí mật ở đây cả. Khả năng hiểu sẽ đạt được khi bạn có một số kỹ năng nhất định như sự tập trung, khả năng „giải mã‟ và có được những kiến thức nền liên quan cần thiết để hiểu được một vấn đề. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá thêm về chúng nhé.

5.2.1. Sử dụng tài liệu cung cấp kiến thức nền

Kiến thức nền là lý do tại sao một sinh viên luật chỉ đọc được từ 70 đến 200 từ/phút, trong khi đó một luật sư đang hành nghề lại có thể đọc cùng tài liệu đó với tốc độ nhanh hơn nhiều. Kiến thức nền cung cấp cho bạn nguồn từ vựng, sự liên quan, và kinh nghiệm để bạn có thể hiểu được tài liệu dễ dàng hơn. Có một cách rất hay giúp bạn hiểu tốt là tìm đọc thêm những nguồn tài liệu khác về cùng đề tài đó trước khi đọc.
Nắm được kiến thức nền cho một chủ đề nào đó không khó khăn chút nào. Tôi xin giới thiệu với bạn một số cách rất hiệu quả sau đây: 
1.      Đọc các nguồn tài liệu khác về chủ đề đó.
2.      Vận dụng những kinh nghiệm cá nhân.
3.      Nghe bài giảng hay bài thuyết trình về vấn đề đó.
4.      Đọc những bài viết cho những trình độ thấp hơn về cùng đề tài đó.

5.2.2. Trở thành một độc giả năng động

Đọc là một quá trình mang đầy tính chủ động. Bạn cần đoán trước những ý tưởng và đọc vì một mục đích cụ thể để trả lời các câu hỏi rồi chủ động tìm kiếm thông tin mà bạn muốn. Đặt ra các câu hỏi trong đầu trước khi, chứ không phải sau khi bạn đọc. Nếu bạn bắt đầu đọc một quyển sách với sẵn một số câu hỏi thì bạn sẽ kết thúc nó với các câu trả lời. Nghĩ về những điểm quan trọng và đọc để hiểu chúng. Hãy tin rằng bạn có thể và sẽ có được cái bạn muốn. Đừng tranh luận với tác giả trong khi bạn đang đọc. Để dành những phân tích mang tính phê bình đó lại sau để không làm chậm nhịp đọc, mất tập trung và bỏ lỡ đi mạch tư tưởng của tài liệu. Hãy dùng viết chì đánh dấu vào lề trái những điểm mà sau đó bạn muốn quay trở lại.
Làm thế nào bạn thấy được ý nghĩa của tài liệu đọc đối với bạn? Ở chương vừa rồi, chúng ta đã nhắc tới ba yếu tố: sự liên quan, tình cảm và tính tổng thể. Để bạn có thể nhớ lại, tôi xin nhắc bạn những ý chính sau:
1.      Liên hệ những gì đang đọc tới kinh nghiệm bản thân mình. Bạn càng liên tưởng nó gần gũi với mình hơn thì bạn càng thấy nó có ý nghĩa hơn. (Sự liên quan)
2.      Nếu những thông tin bạn đọc „vừa khít‟ trong một tổng thể lớn hơn thì nó càng có ý nghĩa hơn. Cũng giống như trò chơi sếp hình. Những mảnh hình đơn lẻ thì có ý nghĩa rất ít nếu chỉ đứng mình nó. Tuy nhiên, nếu bạn đặt những mảnh khác vào xung quanh thì nó bắt đầu có ý nghĩa hơn. Điều này có nghĩa là khi bạn đọc, bảo đảm rằng bạn biết các ngữ cảnh của sự việc trong tài liệu đó, các ý tưởng liên quan, và nó phù hợp với một mô hình nào rộng lớn hơn. Để làm được điều này, hãy vẽ nên một sơ đồ tinh thần ở trong đầu giống như cái mà chúng ta đã nói ở chương trước. (Tính tổng thể)
3.      Tài liệu đọc càng khơi gợi các đáp ứng tình cảm mạnh mẽ thì nó càng có ý nghĩa hơn. Học cách cảm nhận sâu sắc về những gì bạn đọc. Hãy yêu thích nó hay ghét bỏ nó chứ đừng vô cảm trước nó. (Tình cảm)
Nhưng làm thế nào bạn có thể sử dụng những thông tin này để giúp bạn hiểu được tốt hơn? Chắc chắn là khi một tài liệu có nhiều ý nghĩa với bạn thì bạn sẽ thấy thú vị hơn và giúp cho trí nhớ lâu bền hơn. Câu trả lời rất đơn giản. Bạn phải là người chủ động để làm cho việc học của mình ngày càng trở nên có ý nghĩa.

5.2.4. Đọc để hiểu chứ không phải đọc để nhớ

Để có được một dòng thông tin suôn sẻ, liên tục trong đầu, thì bạn đừng dừng lại ghi nhớ các dữ liệu. Để dành việc đó sau này khi bạn nghiên cứu các ghi chép của mình. Đọc một trang, tóm tắt dữ liệu trong tập, sau đó tiếp tục. 
Thật ra, cấu trúc của bộ não bạn phát huy hiệu quả tốt khi nhớ lại các hình ảnh, sơ đồ, tranh minh họa hơn là các con chữ. Hãy vẽ ra những gì bạn học. Bạn sẽ nhớ nó nhiều hơn khi bạn chủ động tạo ra ý nghĩa từ những gì học được hơn là giảm tốc độ xuống học chậm lại và hy vọng nó sẽ ngấm vào đầu.

5.2.5. Thư giãn để tiếp thu tốt hơn

Tập cho mình một trạng thái đọc tập trung cao độ, một tinh thần khát khao kiến thức. Bạn có thể nói với mình như sau : “Khi mình đã đọc xong rồi thì mình sẽ có thể đi làm những thứ khác thú vị hơn.” Đừng sử dụng những lời lẽ bi quan hay mang tính đe dọa như: “Nếu mình không được điểm cao thì mình sẽ mất cơ hội nhận học bổng.” Nếu bạn duy trì được một thái độ tiếp nhận tích cực, cởi mở thì bạn sẽ thấy mình trở nên hiểu bài dễ dàng hơn vì bạn không phải „đấu tranh‟ với chính bạn. Cố gắng vật lộn với việc đọc chẳng khác gì sự sợ hãi khiến bạn căng cứng khi chuẩn bị nhảy xuống hồ bơi. Bí quyết nằm ở chỗ thư giãn, thả lỏng và đi vào nội dung.

5.2.6. Duy trì sự nhạy bén của cơ thể

Thật khó để mà hiểu được những gì bạn đọc khi bạn đang mệt mỏi, buồn bã hay bị đau một bộ phận nào trên cơ thể. Một số sinh viên phàn nàn rằng họ hiểu rất chậm khi đọc bài vào lúc 3 giờ sáng. Vào giờ đó, rất nhiều bạn chẳng thể nào hiểu và tiếp thu được gì, ngay cả một bài „dành cho con nít‟! Quan trọng không chỉ ở việc bạn cần phải tỉnh táo khi đọc mà bạn còn cần nên thả lỏng và thư giãn. Hãy cảm thấy thoải mái và nhập tâm vào đề tài của quyển sách.
Tư thế ngồi đọc chắc chắn là ảnh hưởng nhiều tới việc hiểu. Cố gắng ngồi đọc ở bàn học. Ngồi tư thế thẳng lưng với quyển sách mở rộng trên mặt bàn, cách xa mắt 40 cm. Tư thế ngồi học của bạn càng lỏng lẻo, uể oải bao nhiêu thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng ngủ gà ngủ gật, tập trung yếu hay chán nản. Nếu bạn muốn hiểu bài được tốt, đọc được nhanh, và nhớ tốt thì bạn hãy ngồi thẳng và tập trung lại nào.
Sự minh mẫn của cơ thể cũng có nghĩa là bạn cần quan tâm đến những thứ khác liên quan đến nó. Ghế bạn đang ngồi có tạo được một góc hợp lý cho việc ngồi học thoải mái không? Bạn có ăn những thứ bồi bổ cho sức khỏe không? Như chúng ta đã thảo luận ở chương 2, chúng là những chất như thịt nạc, phô-mai, đậu, ya-ua, trái cây, và những loại rau có màu xanh đậm. Đảm bảo rằng chỗ bạn học có độ sáng tốt. Nếu được thì hãy dùng ánh sáng tự nhiên hay loại đèn quang phổ rộng. Để một ly nước lọc ngay gần chỗ bạn ngồi để tránh sự mất nước. Mặc đồ nhẹ nhàng, rộng rãi và chắc chắn rằng mức âm thanh quanh bạn không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn.

5.2.7. Làm chủ giai đoạn đọc tiền đề

Khái niệm về đọc tiền đề khiến nhiều người nản chí và nghi ngờ việc nó có thể giúp ích họ đọc nhanh. Họ thường cảm thấy có quá nhiều việc phải làm trong giai đoạn này. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những lo lắng của họ và xem thực tế có phải như vậy không nhé.
Quan điểm sai lầm: Đọc tiền đề có quá nhiều việc phải làm
Thực tế: Đọc tiền đề tiết kiệm thời gian cho bạn
Hãy nghĩ về những yêu cầu của việc đọc không chỉ là bạn phải mất bao nhiêu phút hay giây để đọc một trang sách mà hãy nghĩ đến tổng thời gian của cả quá trình. Một người đọc chậm theo kiểu truyền thống thường đọc qua một lần, sau đó lại tốn thời gian quay trở lại nhiều lần để đọc lại những điều mà họ bỏ sót. Vấn đề quan trọng là bây giờ, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, bạn có giảm được nhiều thời gian hơn để có được những gì bạn muốn hay không? Với việc đọc tiền đề, câu trả lời thường là „có‟.
Quan điểm sai lầm: Đọc tiền đề là một khái niệm quá mới 
Thực tế: Bạn đã thực hiện nó nhiều lần
Đọc tiền đề giúp bộ não bạn làm một số việc sau:
1.      Có được một bản đồ tinh thần về tài liệu trước khi đọc.
2.      Khám phá ra những gì bạn biết và chưa biết trước đó.
3.      Giúp bạn di chuyển tới chỗ bạn cần trong tài liệu dễ dàng hơn.
4.      Hiểu tốt hơn những gì bạn đang tiếp cận.
5.      Giúp bạn tìm ra cái bạn muốn biết là gì.
6.      Cảm thấy tự tin hơn về những điều bạn đang học thông qua sự lập lại.
Bạn đã bao giờ sử dụng khái niệm này chưa? Rất nhiều lần, và trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Dưới đây chỉ là một số trong rất nhiều các ví dụ có thể kể ra:
1.      Phim ảnh. Trước khi xem một bộ phim, bạn thường là đã nghe nói qua về nó hay xem qua đoạn trích giới thiệu hoặc đã nói chuyện với những người đã xem nó rồi.
2.      Đi thăm bạn bè. Trước khi lần đầu tiên đến nhà một người nào đó, bạn thường phải xem qua bản đồ hay hình dung trong đầu đường đi hay hỏi người khác cách đến nơi đó. 
3.      Mua sắm. Trước khi mua món hàng nào, bạn thường là đã nghe nói về chúng hay xem quảng cáo trên TV. Bạn đã thấy món đồ đó được sử dụng và bạn đã hỏi chuyện người đang sở hữu món đồ đó.
Nói tóm lại, có vô số việc trên đời trong cuộc sống mà bạn đã “làm trước” nó. Đó chính là một công cụ hỗ trợ quan trọng trong học tập. Tuy nhiên, cho dù giai đoạn đọc tiền đề có giá trị như thế nào thì cũng có những lúc bạn chẳng  cần phải đọc trước làm gì. Đó là những khi bạn đọc thư một người nào đó gửi cho bạn, một quyển tiểu thuyết ly kì, hấp dẫn, đầy những diễn biến bất ngờ hay là một bài thơ nào đó. Nhưng đối với đại đa số những gì bạn phải đọc thì giai đoạn đọc tiền đề luôn luôn là vô cùng cần thiết.
Quan điểm sai lầm: Đọc tiền đề là một sự lãng phí thời gian
Thực tế: Nó rất phù hợp với cầu trúc thiết kế của bộ não dành cho việc học
Chúng ta chỉ có thể đọc những gì chúng ta đã biết. Nghĩa là, bộ não con người chỉ có thể lĩnh hội những mô hình quen thuộc. Bạn càng biết nhiều về một tài liệu trước khi bạn thực sự đọc nó thì nó sẽ càng dễ đọc hơn. Bộ não của bạn hoạt động tốt hơn với những gì nhỏ gọn, quen thuộc. Chúng ta thấy được ý nghĩa từ những ý tưởng mà chúng ta đã nghe qua trước đó chứ không phải là những điều viễn vông, đột ngột, lạ lùng. Do thiết kế của bộ não nên trong việc học, nó sẽ rất khó tiếp nhận những ý tưởng to lớn, mới mẻ và táo bạo ngay từ giai đoạn đầu tiên.

5.2.8. Hình thành mục đích đọc

Mỗi khi chúng ta đọc, điều luôn cần nhớ là bạn phải hình thành cho mình một mục đích. Mục đích nói lên lý do tại sao bạn phải đọc. Mục đích không được xác định rõ ràng như mục tiêu (“Mình sẽ đọc xong hết 20 trang sách trước 9 giờ tối nay”), nó mơ hồ hơn, ví dụ như: “Mình muốn biết nó có lợi ích gì cho cuộc sống của mình không.” hay “Mình muốn hiểu tổng quát về đề tài này.” Khi bạn đã tạo ra cho mình một mục đích thì sức mạnh thật sự của bộ óc bạn sẽ lập tức được phát huy.
Đừng đọc cho hết một cái gì đó chỉ vì những lý do đại loại như: “Mình đã mua quyển tạp chí này nên phải đọc nó cho hết, không thì coi như tốn tiền tốn của”. Với ý thức tốt hơn về mục đích, bạn sẽ biết dẹp sang một bên những thứ mà bạn không cần đọc để tránh làm lãng phí thời gian quý báu của bạn.
Khi đã xác định rõ mục đích đọc, chúng ta sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng hoàn thành nó. Mục đích giúp chúng ta tập trung hơn và có động cơ hơn. Hãy cho đầu bạn một mục đích rõ ràng, bất cứ thứ gì cũng có thể đạt được. Thật vậy, mục đích là một lực đẩy mạnh mẽ đằng sau tất cả quá trình đọc.
Đối với các loại tài liệu khác nhau, chắc chắn mục đích đọc của bạn không bao giờ là một và vì vậy chính mục đích sẽ làm thay đổi cách bạn đọc nó. Ví dụ khi đọc tạp chí, bạn chỉ cần đọc những bài nào viết đúng về những vấn đề quan tâm của bạn mà thôi. Khi ngồi trong phòng chờ bác sĩ thì có thể mục đích của bạn chỉ là đọc để giết thời gian chờ đợi. Bạn đọc báo thường vì muốn cập nhật thông tin để có thể bàn luận về chúng với bè bạn hay đồng nghiệp. Vì thế mức độ ghi nhớ của bạn thường chỉ cần ở mức từ thấp đến trung bình mà thôi. Tuy nhiên khi bạn đọc sách giáo trình của một môn học nào đó, bạn cần nắm vững cả kiến thức tổng quát lẫn những chi tiết cụ thể. Lúc đó mức độ cần ghi nhớ của bạn là từ trung bình tới cao và mục đích sau khi đọc  có thể là để viết được về đề tài đó, tranh luận về nó và làm tốt các bài kiểm tra.
Nói tóm lại, khi đọc một tài liệu nào đó, bạn cần phải hiểu rõ giá trị về thời gian của chính bạn. Bạn có thể mất tiền nhưng cũng có thể lấy lại chúng được. Còn thời gian là điều vô giá nhất và thật ra, nó là cái duy nhất mà bạn có. Nếu bạn không nhận được một điều gì sau khi đọc thì có nghĩa là bạn đang lãng phí thời gian của mình. Hãy bắt đầu thử xem sao, ngay cái mà bạn sẽ đọc tiếp theo.

5.2.9. Tổ chức, sắp xếp những gì bạn đọc

Bộ não của bạn luôn tìm kiếm sự tổ chức, thứ tự và những chuỗi sự kiện logic. Hãy cho nó một cơ hội để hiểu được các tài liệu thông qua việc phân nhóm các ý tưởng và chi tiết thành những khối hình có ý nghĩa. Hãy sắp xếp lại tài liệu bằng các suy nghĩ liên tưởng tới hình ảnh. Khi bạn đã lĩnh hội được cấu trúc và tính thống nhất của tài liệu mình đang nghiên cứu thì bạn sẽ nắm được ý nghĩa của nó nhanh hơn nhiều. Cố gắng hiểu cả cấu trúc cũng như các chi tiết. Đây là một ví dụ về cách bạn tổ chức các thông tin trong khi đọc theo mô hình biểu đồ. Nếu tôi đang học năm nhất môn thần kinh học thì cái nhìn tổng thể của tôi về giáo trình môn đó sẽ như sau:
Những ứng dụng của các nghiên cứu gần đây về bộ não vào việc học
-          Vai trò của chất dinh dưỡng
-          Môi trường
-          Trí nhớ và sự hồi tưởng
-          Quá trình hóa học trong não
-          Sự lĩnh hội và ý nghĩa
-          Các loại bệnh và sự bất lực
-          Sự chú ý và tập trung

5.2.10. Viết trong khi đọc

Hãy tập cho mình thói quen nhớ lại những gì ngay sau khi bạn vừa đọc. Bởi vì khi bạn  hiểu tốt một điểm nào đó thì điểm tiếp theo sẽ rõ ràng hơn nhiều. Khả năng hiểu phụ thuộc vào việc hiểu từng ý tưởng trước đó. Bạn càng hiểu và hồi tưởng lại chúng tốt bao nhiêu thì bạn lại càng dễ hiểu những gì tiếp theo đó hơn.
Như chúng ta đã cùng nhau đề cập, một trong những cách viết trong khi đọc là sử dụng những hình vẽ minh họa hay theo dạng sơ, biểu đồ. Sử dụng những kiểu như hình mạng nhện, hình căm/nan hoa, hay theo dạng dẫn đường (từ cái này suy ra cái kia). Đặt những ý chính vào vị trí trung tâm và những ý khác bao quanh. Mỗi phần của quá trình học bạn đều nên làm như vậy thì khả năng hiểu sẽ nhanh chóng trở thành một thói quen của bạn mà thôi.

5.2.11. Đọc nhanh và tập trung

Những độc giả giỏi thường là những người đọc rất nhanh nhưng vẫn hiểu tốt. Bạn càng đọc chậm bao nhiêu thì lại càng dễ rơi vào tình trạng mơ màng và mất tập trung bấy nhiêu, vì thế làm giảm sút chất lượng cảm thụ. Khả năng hiểu tốt là một quá trình và một thói quen chứ không phải là một điều bí ẩn. Nó phụ thuộc phần lớn vào việc bạn đã biết về đề tài đó kỹ như thế nào trước đó. Bởi vì kiến thức nền làm gia tăng vốn từ vựng và sự quen thuộc của đề tài nên bạn hãy cố gắng tiếp thu càng nhiều kiến thức nền càng tốt. 

5.3. Sử dụng những gì mình đã đọc

Tất cả những hướng dẫn, phương pháp sẽ chỉ mang lại hiệu quả khi bạn sử dụng chúng. Tìm cách áp dụng những kiến thức đó vào một việc gì đó, thậm chí chỉ cần nói chuyện với bạn bè về những gì đã đọc thôi cũng giúp ích rất nhiều. Chia sẻ những gì bạn đọc với người khác. Thường thì những độc giả tốt hay trò chuyện với người khác về tài liệu đó và áp dụng những điều đã học vào trong công việc của họ. Nói cách khác, họ đã tận dụng những gì đã đọc vào cuộc sống của chính mình, làm cho chúng càng trở nên có ý nghĩa hơn.
Tiếp tục series với Phần 6. Kỹ thuật ghi chép
         

0 nhận xét:

Đăng nhận xét