Chào các bạn đến với phanlamcoder.blogspot.com!
Ở bài viết này mình sẽ gửi đến các bạn series phương pháp học có tên "Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết" được tổng hợp từ cuốn sách "Phương pháp học Đại học - ĐH SPKT (HCMUTE)".
(Download sách (file PDF) ở chuyên mục ebook hoặc có thể liên hệ mình qua facebook)
- Phần 1. Động cơ học tập
- Phần 2. Những thói quen thành công
- Phần 3. Môi trường học tập
- Phần 4. Chiến thuật học tập
- Phần 5. Kỹ năng đọc hiệu quả
- Phần 6. Kỹ thuật ghi chép
- Phần 7. Luyện tập trí nhớ
- Phần 8. Sức mạnh ngôn từ
- Phần 9. Kỳ thi
- Phần 10. Bí quyết 1%
LỜI GIỚI THIỆU
Ai
cũng muốn được thành công. Tuy nhiên, thành công không chỉ là đạt được những
điểm 10 đỏ chói, được bạn bè ngưỡng mộ, giành được học bổng, hay làm ra nhiều
tiền. Thành công lâu dài là cả một cuộc hành trình. Để có được thành công, bạn
cần có tri thức. Giáo dục mang lại cho bạn tri thức; nó có thể mở rộng những
cánh cửa trước đây dường như luôn khép chặt. Vì vậy hãy tận dụng cơ hội học
càng nhiều càng tốt khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngay cả nếu bạn
không sử dụng được những kiến thức nặng tính học thuật ở trường, thì những mối quan hệ mà bạn thiết lập được ở đó
cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong cuộc sống sau này.
Chúc
mừng bạn đã trở thành một thành viên của giáo dục đại học. Một ngôi trường tốt
có thể giúp bạn tiếp thu được những kiến thức bổ ích hơn và có cơ hội giao tiếp
với những người thành công hơn. Ngoài ra, tiếng tăm của trường bạn theo học
cũng sẽ đi theo suốt cuộc đời bạn. Một khi đã vào học thì hãy làm hết khả năng
tốt nhất của mình. Thành công là một thói quen quan trọng cần được tạo lập–
những thói quen tốt học được trong trường sẽ đi theo bạn suốt cả cuộc đời.
Trong
quyển sách này, bạn sẽ trở nên quen thuộc hơn với các phương pháp học tập đa
dạng và được hướng dẫn cách áp dụng chúng để có thể thành công hơn trong học
vấn. Bạn sẽ được cung cấp các công cụ đơn giản, hiệu quả và năng động để sử
dụng mỗi ngày. Quyển sách này chứa đựng những thông tin quan trọng mà bạn cần
biết để trở thành một sinh viên ưu tú.
Chúc bạn may mắn!
CHƯƠNG 1. ĐỘNG CƠ HỌC TẬP
Chào mừng các bạn đến với thế giới thành công trong học
vấn. Nếu bạn đang mong muốn tìm hiểu các bí quyết để đạt được thành công thì
bạn đang ở đúng chỗ rồi đấy. Bí mật của thành công chính là bộ não của bạn. Dù nó nặng chưa tới 1,5
kg nhưng nó lại đảm nhận đến 25% năng lượng hoạt động của cơ thể bạn. Khả năng
lưu trữ của nó dường như không giới hạn.
Nó gồm 100 tỉ tế bào luôn hoạt động nối kết chặt chẽ với nhau, đủ để cho bạn có
thể tham gia bất cứ lớp học nào.
Bộ não của bạn là một hệ thống điện hóa phức tạp. Khi bạn
thấy mình tìm được niềm vui và động cơ trong học tập thì điều đó có
nghĩa là bạn đã có được sự cân bằng hóa học diễn ra trong bộ não. Quá trình này
do các chất hóa học thần kinh thực hiện – chúng kích thích tinh thần bạn và
giúp bạn sẵn sàng hoạt động. Có những mẹo nhỏ giúp thúc đẩy quá trình hoạt động
của các chất đó, dựa trên cơ thể tự nhiên của chính bạn. May mắn là cơ thể bạn
rất giỏi trong việc sản xuất ra những chất hóa học đó. Bạn chỉ cần biết cách thực hiện nó mà
thôi.
Mặc dù sức mạnh tiềm ẩn của bộ não là rất to lớn nhưng
chúng ta vẫn chưa bao giờ có được một cuốn cẩm nang, một quyển sách hướng dẫn
về cách tận dụng và khai thác bộ não một cách tối ưu nhất. Quyển sách này được
viết ra là vì mục đích đó. Nó là sự kết hợp giữa những kiến thức về quá trình
hoạt động của bộ não và một số kỹ năng hiệu quả giúp bạn thành công trong học
vấn. Ở chương này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét những vấn đề cơ bản sau:
1.1. Học giỏi để làm gì?
Trước khi thảo luận xa hơn, chúng ta hãy cùng nhau xem xét
vấn đề này nhé. Ai nói rằng đạt được những điểm số cao trong học tập là tốt đẹp
nào? Là một sinh viên xuất sắc thì thật sự có những thuận lợi gì, có giúp ích
gì cho cuộc sống sau này không? Rất nhiều sinh viên khẳng định là có. Dưới đây
là những lập luận của họ:
Những lợi ích của thành công trong học vấn:
-
Biết cách học tốt sẽ giúp bạn mất ít thời gian,
vì thế bạn sẽ có nhiều thời giờ hơn cho những việc khác.
-
Nhận thức về bản thân của bạn sẽ được nâng cao.
Bạn sẽ thấy tự hào về mình hơn, và sự tự tin đó sẽ lan truyền qua những lĩnh
vực khác.
-
Bạn sẽ hiểu bài tốt hơn. Điều này có thể dẫn
đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh, làm cho cuộc sống của bạn
thêm phần lý thú.
-
Bạn sẽ giảm bớt cảm giác mệt mỏi và mất ít thời
gian đọc đi đọc lại hơn, và việc học sẽ có thêm niềm vui.
-
Bạn sẽ đạt được những số điểm cao hơn. Nó sẽ
khiến bạn thêm tự tin và có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.
-
Nếu điểm số học tập của bạn xuất sắc, bạn sẽ có
nhiều cơ hội dành học bổng. Điều đó đồng nghĩa với việc giúp giảm bớt gánh nặng
chi phí cho gia đình và bản thân, giúp bạn tập trung nhiều hơn vào việc học
thay vì phải nhọc nhằn kiếm việc làm thêm.
-
Bạn sẽ học thêm được nhiều kiến thức. Tri thức
là sức mạnh. Bạn càng hiểu biết thì cơ hội trong cuộc sống sẽ càng đến với bạn
nhiều hơn.
-
Thành công trong học tập có thể giúp xây dựng
sự tự tin trong cuộc sống xã hội, tránh tâm lý tự ti, e ngại.
-
Học giỏi có thể giúp thói quen suy nghĩ của bạn
thêm phần nhạy bén. Điều này có nghĩa là bạn có khả năng đưa ra các quyết định
đúng đắn hơn, giúp giảm thiểu sự buồn đau, thất bại trong cuộc sống và mang lại
cho cuộc đời bạn nhiều niềm vui hơn.
Ngược lại, bạn sẽ chẳng có được gì nhiều nếu kết quả học
tập yếu kém trong trường. Có thể bạn sẽ vớt vát được sự cảm thông từ một số ít
người thấy thương hại bạn. Hoặc là, bạn cũng có thể khiến người khác ít kỳ vọng
vào bạn hơn và họ sẽ chẳng thèm quan tâm xem bạn đã đạt được những gì trong
cuộc sống. Thế thì, bạn phải làm gì đây nếu trước kia kết quả học tập của bạn
không được như ý muốn? Bây giờ chính là thời điểm thích hợp để suy nghĩ về
những gì bạn thật sự muốn. Có thể bạn đã thực hiện điều này rồi. Nó đơn giản
gọi là đặt ra các mục tiêu cho riêng bạn.
1.2. Vì sao phải đặt ra các mục tiêu?
Tâm trí bạn rất kỳ lạ - nó luôn hướng tới các mục tiêu một
cách rất tự nhiên. Hãy cho bạn một mục tiêu và tâm trí bạn tự nhiên sẽ muốn có
được nó. Tưởng tượng một mục tiêu đầy màu sắc, âm thanh, mùi vị và cảm giác.
Giờ bạn sẽ muốn đạt được mục tiêu đó ngay. Nếu bạn làm cho mục tiêu càng trở
nên thực tế hơn thì bạn sẽ càng muốn nó nhiều hơn. Làm cho mục tiêu càng thêm hấp
dẫn, giờ thì tâm trí bạn thật sự muốn nó rồi đấy. Còn
nếu bạn đặt ra cho mình một mục tiêu thật cụ thể, thật rõ ràng, thật cần kíp
thì hẳn bạn sẽ thật sự, thật sự, thật sự muốn đạt được nó.
Thế tất cả những điều này có liên quan gì đến chuyện học
hành nào? Dễ thôi. Hãy lập ra mục tiêu ngắn hạn. Lập ra mục tiêu dài hạn. Lập
ra mục tiêu dễ. Lập ra mục tiêu khó. Lập ra mục tiêu bạn muốn. Lập ra mục tiêu
bạn biết là sẽ tốt cho mình. Nói chung là bạn phải lập ra một mục tiêu nào đó.
Ví dụ là bạn đã có sẵn một mục
tiêu trong đầu rồi, chẳng hạn như bạn muốn sau này mình sẽ làm trong ngành
CNTT, kỹ thuật, giáo dục, hay kinh doanh gì đó. Bây giờ bạn cần làm cho mục
tiêu đó cụ thể hơn. Chỉ nói “Tôi muốn trở
thành một nhà khoa học” thì chưa đủ. Bạn cần phải quyết định xem bạn mong
muốn nghiên cứu lĩnh vực khoa học cụ thể nào và khi nào thì bạn dự định bước
chân vào lĩnh vực đó. Bạn có thể thay đổi mục tiêu của mình sau này, nhưng việc
có được một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn đi những bước đầu tiên trên con đường dài
vươn tới những khát khao, những ước mơ trong đời.
Một số người có lẽ sẽ cảnh báo bạn không nên đặt ra những
mục tiêu quá tầm, những mục tiêu khó trở thành hiện thực. Nhưng có lẽ vì bây
giờ bạn chưa thật sự biết mình có động lực và khả năng tới mức nào nên bạn hãy đặt ra cả mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn.
Hãy đặt ra các mục tiêu mà bạn nghĩ mình có thể đạt được và những mục tiêu mà
bạn mơ ước. Cái nào là hiện thực? Bạn đã từng nghe về một người đàn ông tuy mù
cả hai mắt nhưng vẫn chinh phục được đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất trên thế
giới không? Bạn có biết rằng một cụ già 90 tuổi đã hoàn thành chặng đường dài
40 km ở cuộc đua marathon không? Những mục tiêu đó mang tính hiện thực như thế
nào? Nếu bạn biết mơ ước và sẵn lòng cam kết đạt được những mục tiêu của mình
thì bạn có một cơ hội. Chỉ sau này bạn mới có thể biết được chúng là hiện thực
hay không mà thôi.
Kế nữa, việc bạn vạch ra cho mình một thời hạn để hoàn tất các
mục tiêu đó cũng rất quan trọng. Việc đặt ra một khoảng thời gian nhất định sẽ
giúp bạn làm việc tập trung hơn, có mục đích hơn. Có được các mục tiêu là một
điều rất tốt bởi vì không những chúng giúp bạn luôn đi thẳng lối mà còn giúp
bạn không bị phân tán bởi những ngả rẽ khác xem chừng đầy cám dỗ.
Cuối cùng, bạn phải đặt ra cho mình các lý do
để đạt được các mục tiêu đó vì chúng chính là nguồn „nhiên liệu‟ giúp bạn luôn
hướng tới các mục tiêu mà mình đã đặt ra. Trong thể thao, mỗi đội điều đặt ra
cho mình mục tiêu chiến thắng nhưng chỉ có một đội đạt được nó mà thôi. Có phải
lý do chiến thắng luôn luôn là nhờ vào tài năng của họ? Không hoàn toàn là như
vậy. Lý do thường là vì đội đó mong muốn đạt được mục tiêu của mình mạnh mẽ
hơn. Đội chiến thắng sẽ là đội tập luyện chăm chỉ, có nhiều động cơ chiến thắng
và có khao khát mạnh mẽ hơn ! Đúng vậy, cảm xúc của bạn là rất quan trọng. Bạn
càng ham muốn mục tiêu của mình bao nhiêu thì bạn càng có nhiều khả năng đạt được
chúng bấy nhiêu.
Thêm một điều cần lưu ý nữa trước khi bạn đặt bút viết ra những mục tiêu của
mình. Bạn cũng cần lường trước những cảm giác không hay một khi các mục tiêu mà
bạn đặt ra không được thỏa mãn. Ví dụ như bạn muốn mình học thật giỏi trong
lớp. Tại sao? Những điểm số cao giúp bạn lấy được học bổng, làm bạn tự tin hơn
và khiến bạn có cảm giác hài lòng. Đó là khía cạnh tích cực, nhưng mà khía cạnh
tiêu cực cũng có ở đó. Nếu bạn không đạt được điểm cao trong lớp, sự việc trái
ngược có thể xảy ra: bạn có thể cảm thấy chán nản, mất học bổng và học được rất
ít. Thực tế là đôi khi, các bạn đã đặt ra cho mình các mục tiêu nhưng không
phải lúc nào cũng luôn đạt được chúng. Vì sao thế? Bạn phải làm cách nào
đây?
1.3. Làm thế nào để mục tiêu thành hiện thực?
Có một số cách khá cụ thể có thể giúp bạn đạt được các mục
tiêu mà mình đã đặt ra. Đó là điều mà chúng ta sẽ nói dưới đây.
Để xác định được những gì bạn
cần làm ngày hôm nay thì bạn cần phải biết mình muốn ở đâu trong 20 năm tới.
Chắc hẳn bạn đang bối rối, lo lắng vì không chắc chắn mình sẽ như thế nào vào
thời điểm đó phải không? Cứ bình tĩnh và thư giãn. Hãy từ từ nghĩ về thời điểm
20 năm sau nhé.
Có lẽ bạn chưa biết mình sẽ làm nghề gì, nhưng chắc chắn
bạn biết là mình sẽ muốn những thứ nhất định nào đó, ví dụ như một công việc lý
thú, một chiếc xe thật xịn, hay một ngôi nhà riêng của bạn. Nhưng ai biết trước
được? Có thể bạn sẽ muốn những thứ khác
hơn. Những gì bạn mơ mộng đều có khả năng thành hiện thực, nếu vậy thì bạn cũng
có thể mơ về những điều thật tuyệt vời, những điều làm cho bạn thấy thật sung sướng.
Một công việc hấp dẫn, một người bạn đời lý tưởng, một căn nhà xinh xắn? Đó là
cuộc đời của bạn và sẽ do bạn quyết định, vì thế hãy cứ mơ ước và tiến
lên.
-
Giờ hãy cầm viết lên. Bắt đầu thời điểm 20
năm tới tính từ bây giờ nhé. Vào lúc đó bạn mong ước sẽ đạt được những mục tiêu
nào? Hãy điền vào những dòng kẻ dưới đây những điều mà bạn có thể muốn làm,
muốn có, hay muốn hoàn thành trong 20 năm nữa.
Ví dụ: Làm trong ngành Công nghệ thông tin, lập
gia đình và sinh một đứa con, sống trong một căn hộ nhỏ xinh xắn và có một sức
khỏe tốt.
Tính thử xem bạn bao nhiêu tuổi trong 20 năm tới. Bạn muốn
làm việc trong lĩnh vực nào? Gia đình, bạn bè, tiền bạc, kỹ năng, lối sống,
chuyên môn như thế nào? Nếu bạn còn chưa chắc chắn thì hãy mơ mộng một chút
cũng chẳng sao. Không ai có thể biết chắc như đinh đóng cột tương lai mình sẽ
như thế nào, vì vậy hãy cứ việc tưởng tượng và suy đoán. Hãy viết ra. Thà bạn cứ cho mình những mục tiêu mà có lẽ
bạn sẽ thay đổi sau này còn hơn là chẳng có được một mục tiêu nào cả. Hãy
suy nghĩ và bắt đầu viết nào.
-
Giờ bạn đã có được mục tiêu trong 20 năm tới
rồi. Nhớ là bạn chỉ có thể đạt được những mục tiêu của
mình nếu bạn đặt ra chúng. Bây giờ hãy nghĩ về 5 năm tới. Bạn sẽ cần
phải hoàn thành những gì trong 5 năm để có thể đạt được những mục tiêu mà bạn
đã đặt ra cho 20 năm tới?
Ví dụ: Mình sẽ học tập thật tốt và có những
tháng ngày sinh viên sôi nổi, đầy ý nghĩa. Mình sẽ tốt nghiệp đại học với tấm
bằng loại giỏi và sẽ kiếm được việc làm lương thật cao.
Bạn sẽ ở đâu trong vòng 5 năm tới? Đang học một trường đại
học như thế nào? Hãy suy nghĩ và viết ra những mục tiêu của bạn.
-
Bây giờ hãy đi tới phần 3 nhé. Phần này xét đến
những mục tiêu của bạn trong vòng 6
tháng tới. Để đạt được những mục
tiêu trong 5 năm nữa thì bạn sẽ cần phải đạt được những gì trong 6 tháng
tới?
Ví dụ: Mình sẽ tham gia một khóa học kỹ năng mà
mình thích, mình sẽ cố gắng đạt được số điểm cao hơn trong các kỳ thi tới và
mình sẽ tích cực hơn khi tham gia các hoạt động của trường hay tập một môn thể
thao nào đó.
Trước tiên hãy coi xem 6 tháng nữa là tháng mấy nào? Hãy
viết ra những mục tiêu của bạn trong vòng 6 tháng nữa tính từ ngày hôm nay.
-
Cuối cùng, bạn hãy đặt ra những mục tiêu ngay
lúc này đây, ngay trước mắt bạn đây. Bạn biết mình muốn làm gì trong 20 năm, 5
năm và 6 tháng rồi. Bây giờ đã là lúc bạn cần nghĩ đến những việc cần làm trong
tuần tới để đạt được những mục tiêu
6 tháng. Hãy tiếp tục viết xuống nào.
Ví dụ: Tuần này mình sẽ tranh thủ đọc quảng cáo
tìm một trung tâm ngoại ngữ uy tín. Mình sẽ bắt đầu tham gia một hoạt động gì
đó tích cực hơn trong tuần (ví dụ đi bơi hay đá banh với bạn bè). Mình cũng sẽ
suy nghĩ thêm nhiều hơn về các mục tiêu của mình trong tuần này, trong 6 tháng,
trong 5 năm, và trong 20 năm tới.
Bạn thấy đó, hành động của bạn hôm nay sẽ dẫn đến kết quả
của ngày mai. Những gì sẽ xảy ra ở tương lai không phải lúc nào cũng trong tầm
kiểm soát của bạn nhưng bạn sẽ biết được mình muốn gì và mình đang ở đâu. Đặt
ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn là một cách mà bạn có thể làm để tác động
tới tương lai. Bạn đang thiết kế ra tương lai của bạn cũng giống như một nhà
tạo mẫu đang thiết kế ra một kiểu áo mới.
-
Ở những hàng dưới, hãy viết ra ít nhất 5 lý do vì sao những mục tiêu đó lại quan trọng với bạn. (Ví dụ: “Mình sẽ tự tin hơn, kiếm được nhiều tiền
hơn, được bạn bè nể phục hơn” v.v...)
-
Bây giờ hãy viết ra 3 điều không hay có thể xảy đến cho bạn nếu bạn không đạt được
những mục tiêu đó (Ví dụ: “Mình sẽ cảm
thấy mình thật dở, mình sẽ làm cha mẹ thất vọng hay mình sẽ sống nghèo khổ sau này” v.v…)
1.4. Làm cách nào luôn duy trì sự tập trung vào các mục tiêu của bạn?
Một khi đã đặt ra xong các mục tiêu, bạn cần làm sao cho
chúng không dễ dàng bị mất đi theo thời gian. Đặt ra các mục tiêu không có
nghĩa là xong việc, chẳng còn cần làm gì nữa. Khả năng tập trung và lòng kiên
định, không dễ gì bị nhụt chí là một điều vô cùng quan trọng mà bạn cần phải
rèn luyện. Cũng giống như khi bạn đã lên bản vẽ cho ngôi nhà rồi thì bạn cần
bắt đầu việc xây dựng và bảo trì nó. Trong môi trường học tập, việc sử dụng
những kỹ năng đúng đắn để lúc nào cũng giữ được sự tập trung của mình là điều
tối quan trọng.
Có rất
nhiều việc có thể gây xao lãng cho bạn khi học ở trường. Thế bạn cần làm gì để
có thể duy trì sự tập trung mà vẫn có được những kinh nghiệm thú vị khác ngoài
việc học? Câu trả lời chính là: sự kỷ
luật.
Thực hành:
-
Dành
ra vài phút để nghỉ ngơi thư giãn mỗi khi bạn cảm thấy quá tải với lịch học
hiện tại. - Suy nghĩ về những mục tiêu bạn đặt ra bất
cứ khi nào có thể.
-
Nhắm
mắt lại và hình dung trong đầu hình ảnh bạn hăng hái, sung sức và vui sướng khi
đạt được những mục tiêu của mình. Càng nhìn rõ được các chi tiết càng tốt.
-
Hình
dung ra bạn đang mặc gì, đang làm gì khi đạt được chúng.
-
Cảm
nhận và lắng nghe niềm vui sướng, sự tự hào và phấn khởi khi bạn đạt được từng
mục tiêu một.
Hãy cố gắng thực hành sự tưởng tượng này mỗi ngày và khao
khát của bạn sẽ ngày thêm mạnh mẽ. Việc ôn lại những mục tiêu và kế hoạch cụ
thể cũng rất quan trọng. Hãy tiếp thêm năng lượng cho những ước mơ của bạn bằng
sức mạnh của sự tưởng tượng thường xuyên và đầy sáng tạo. Nhớ rằng, bạn càng tô
điểm cho mục tiêu của bạn hấp dẫn, thực tế và tích cực bao nhiêu thì rất tự
nhiên tâm trí của bạn sẽ ngày càng hướng tới việc đạt được những mục tiêu đó
bấy nhiêu.
1.5. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi
Có bao giờ bạn tự nhủ: “Mình chẳng biết mình đang nghĩ gì nữa. Chắc
mình mất trí rồi.” Rất nhiều người trong chúng ta đã làm những điều mà
chúng ta phải hối tiếc sau này. Để học tốt, bạn cần phải tận dụng hết khả năng
chất vấn vốn có của trí tuệ. Đó là việc không ngừng đặt câu hỏi cho đến khi bạn
hiểu được bản chất của vấn đề. Những câu hỏi sẽ giúp đầu óc trở nên linh hoạt
và nhạy bén hơn trong quá trình cố gắng tìm kiếm những câu trả lời thỏa đáng.
Đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề thật sự là một bài tập hữu ích nhất mà bạn có
thể áp dụng cho bộ não. Thật ra, nó cũng giống như là một „bài tập thể dục‟ cho
bộ não bạn thôi.
Làm thế nào bạn có thể phát huy hết mức khả năng của bộ não
trong học tập? Hãy đặt câu hỏi cho bất cứ vấn đề nào bạn không rõ cho đến khi
bạn tìm ra câu trả lời khiến bạn hài lòng mới thôi. Ví dụ, hãy nghĩ về một môn
học mà bạn đang gặp khó khăn. Hãy thử nghĩ đến những câu hỏi cần thiết để bạn
có thể học tốt hơn trong lớp. Bạn có thể bắt đầu với những câu hỏi như sau:
-
Nội dung quan trọng xuyên suốt khóa học là
gì?
-
Điều gì có thể khiến bạn hiểu rõ thêm những
khái niệm chính? Bạn có thể hỏi thầy giáo hay các bạn cùng lớp giải thích rõ
hơn cho bạn.
-
Bạn có thể vẽ sơ đồ hay hình vẽ tóm tắt nội
dung chính không?
-
Bạn có thể đi hỏi thêm ai để hiểu rõ thêm vấn
đề không?
-
Bạn có thể kiếm những tài liệu liên quan ở
trang web nào?
Dĩ nhiên bạn còn có thể hỏi rất nhiều câu hỏi khác như: “Bài kiểm tra sắp tới sẽ ra gì nhỉ?”.
Một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống là học cách hỏi những câu hỏi
đúng đắn. Vì thế nếu một câu hỏi không thể giúp bạn tìm thấy những thông tin
mình mong muốn thì bạn cứ tiếp tục hỏi. Thông tin bạn cần tìm có thể được giải
đáp trong những câu hỏi tiếp theo đấy. Tuy nhiên, trước khi hỏi thầy giáo hay bạn
bè, hãy tự hỏi bản thân mình xem thực ra mình đã biết câu trả lời rồi chưa. Đôi
khi, do nhút nhát hay không chắc chắn, chúng ta thường cho rằng người khác có
những câu trả lời mà ta không biết. Đừng bỏ lỡ thời gian quý báu bồi bổ kiến
thức khi còn đang thời kỳ đi học vì nó là hành trang cần thiết cho bạn bước vào
đời.
Thực hành
-
Hãy
lên một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn hỏi giáo viên của mình. Có thể thêm
một danh sách nữa để hỏi cha mẹ. Có thể thêm một số câu hỏi nữa cho vài người
bạn cùng lớp.
-
Trước
khi bạn hỏi họ những câu hỏi đó, hãy đặt một câu hỏi thậm chí còn quan trọng
hơn thế: “Mình có vài câu hỏi, bạn có thời gian rảnh không?” Nếu đó không phải
là một thời điểm tốt thì hãy kiên nhẫn và chọn một lúc khác thích hợp hơn.
-
Hãy
nhớ rằng, thông tin chứa đầy sức mạnh và kiến thức thì cũng vậy. Nó sẽ làm thay
đổi cuộc đời bạn nếu bạn có thể nắm bắt được chúng. Vì thế nếu bạn không biết
điều bạn cần biết thì: hãy hỏi đi.
1.6. Rèn cho mình một tinh thần khát khao chiến thắng
Điều đó có nghĩa là trong bất cứ việc gì bạn cũng cố gắng
hết sức mình và luôn tin tưởng là mình sẽ có được thành công. Một tinh thần
khát khao chiến thắng sẽ có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với những người xung quanh
và vì thế mang lại nguồn cảm hứng và sự hợp tác, đoàn kết lẫn nhau. Một thái độ
chiến thắng có nghĩa là bạn luôn sống hết mình với cuộc sống, luôn làm việc và
học tập chăm chỉ để gây dựng một hình ảnh tốt đẹp về bản thân và biết đưa ra
những quyết định nhanh chóng và đúng đắn. Bạn đã từng chứng kiến những người
với những phẩm chất đáng quý đó đã tạo được uy tín và sức thu hút mạnh mẽ với
mọi người như thế nào rồi, phải không? Làm sao họ có thể phát triển được những
khả năng đó? Thật ra điều đó cũng không quá khó nhưng cần có một số thời gian
nhất định. Vì sao thế? Mọi thứ bạn suy
nghĩ đều có khả năng dẫn đến hành
động. Mọi hành động bạn thực hiện đều có thể dẫn tới thói quen. Mỗi thói quen bạn tập được sẽ trở thành một phần tính cách bạn và có thể góp phần vào
việc tạo nên một thái độ chiến thắng
(hay cũng có thể là một thái độ thủ bại). Vì vậy, bạn cũng dễ dàng nhận ra được
rằng mọi thứ đều bắt đầu từ suy nghĩ và những hành động đơn giản của bạn. Chúng
chính là những hạt mầm bạn đang gieo cấy mà dần dần sẽ trở thành những thói
quen và cuối cùng là tính cách của bạn. Hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản
sau đây.
Thực
hành - Tin vào bản thân. Hãy tin rằng bạn có thể và sẽ thành công
trong học tập. Chắc chắn là bạn có thể nghĩ ra được rất nhiều phẩm chất tốt đẹp
mà mình có. Viết ra 3 lý do khiến bạn tin vào bản thân mình.
-
Xác định những nguồn hỗ trợ. Vì sao bạn sẽ thành công? Vì bạn có
những sự ủng hộ sẽ giúp bạn luôn vượt qua những thời điểm khó khăn. Sự ủng hộ
này có mặt ở khắp mọi nơi (bạn bè, cha mẹ, thầy cô, người thân, gia đình, thư
viện, phòng vi tính…). Hãy kể ra một vài nguồn hỗ trợ của riêng bạn.
-
Có một tinh thần và cơ thể khỏe mạnh. Một thái độ chiến thắng luôn đi kèm với
một tinh thần sảng khoái và một cơ thể khỏe khoắn. Bạn đã nghe những lời này
rất nhiều lần rồi: đó là hãy tập thói quen ăn uống cho tốt. Hãy ăn những thứ
thức ăn dinh dưỡng và lành mạnh cho sức khỏe. Hãy tập thể dục đều đặn hay tham
gia một môn thể thao nào đó. Hãy ngẩng đầu lên và mỉm cười với cuộc sống tươi
đẹp quanh bạn. Bây giờ bạn có thể và sẽ làm gì để có thể có được thái độ chiến
thắng đó? Hãy ghi ra 3 việc.
-
Có thái độ của một người chiến thắng. Thái độ chiến thắng không có nghĩa là
bạn sẽ thắng được mọi thứ mà là bạn
sẽ có được thái độ của một người
chiến thắng. Điều quan trọng không phải là cái
gì đã xảy ra cho bạn mà chính là cách
bạn đối diện với nó như thế nào. Hãy kể ra 3 việc không hay đã xảy ra cho bạn
mấy tuần vừa rồi (điểm thấp, một người bạn nào đó đã làm tổn thương bạn, hay
bạn bỏ lỡ mất một sự kiện quan trọng nào đó…). Sau đó hãy ghi ra những cách xử
lý tích cực, mang đậm tinh thần chiến thắng cho những sự việc đó.
Sự việc
Cách giải quyết tích cực
1.7. Tại sao phải chọn bạn bè cẩn thận?
Chúng ta ít khi nào suy nghĩ về một trong những điều có ảnh
hưởng mạnh mẽ nhất đến cuộc đời chúng ta – bạn bè. Những người bạn thấy thường
xuyên nhất sẽ tác động lên bạn nhiều nhất. Con người thường có khuynh hướng
sống theo lối sống tương tự như của bạn bè họ. Một hàm ý cho thấy tầm quan
trọng của việc chọn bạn bè cẩn thận là bởi vì khi làm như thế, bạn đang lựa
chọn tương lai của mình. Bằng cách giao thiệp với những người bạn tốt, bạn có
nhiều khả năng thay đổi con người mình theo hướng tích cực hơn. Vì thế nếu bạn
bè của bạn là những người vui vẻ, yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh và hay quan tâm
tới người khác thì rất nhiều khả năng là bạn cũng lây được những đặc điểm trên.
Hay là, nếu bạn có những người bạn học giỏi, những người thích nghiên cứu khoa
học, thường xuyên tham gia những hoạt động văn nghệ, thể thao thì bạn cũng sẽ
cảm thấy được những ảnh hưởng đó lên mình, khiến bạn cũng dần trở thành một người
có khuynh hướng yêu thích và làm những công việc đó.
Và rất tự nhiên, mọi chuyện sẽ diễn ra ngược lại nếu bạn
giao du với những người bạn xấu. Câu tục ngữ cũ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã chứng tỏ được tính chính xác
của nó trong rất nhiều trường hợp. Bạn có thể bị tiêm nhiễm một số thói quen
xấu nếu bạn chơi với những người chỉ thích tụ tập, chơi bời lêu lổng, không có
chí tiến thủ hay tệ hại hơn là nghiện ngập, trộm cắp … Những người mà bạn gọi
là bạn bè đó sẽ kéo bạn tụt lùi và làm bạn đi chệch khỏi con đường đến những
mục tiêu, ước mơ của đời mình. Những người quan tâm đến bạn, sẵn sàng nói lên
sự thật, giúp đỡ bạn những lúc khó khăn, chia sẻ những ước mơ của bạn mới thật
sự là những người bạn cần có. Ai cũng mong có những người bạn tốt và chỉ bằng
cách sống tích cực, vui tươi thì bạn mới có thể thu hút được những người bạn
tốt quanh mình.
Thành thật là một trong những
phẩm chất quý giá nhất vì nó thể hiện đúng giá trị con người bạn. Một tình bạn
tốt đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau. Mặc dù hầu hết những người bạn tốt sẽ luôn ở
bên cạnh bạn cả lúc thuận lợi lẫn khó khăn, nhưng nếu bạn không thành thật với
họ thì bạn đang mạo hiểm đánh mất tình bạn của họ đấy. Tương tự như vậy, nếu
bạn đang trải qua một tình bạn không được hay ho gì cho lắm khi thấy có quá
nhiều sự khác biệt trong quan điểm và thái độ sống thì bạn nên cần một sự thay
đổi nào đó. Hoặc là bạn ít gặp gỡ người đó lại, hoặc là bạn tìm ra cách nào làm
cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn.
Cho dù bạn của bạn có muốn gì đi chăng nữa thì họ cũng
không có quyền hủy hoại hạnh phúc hay những cơ hội đạt được mục tiêu của bạn.
Một người bạn học tốt có thể là nguồn cảm hứng, nguồn tri thức vô tận cũng như
mang lại cho bạn niềm vui và sự hăng say trong học tập. Bằng cách lựa chọn
những người bạn tốt, tích cực, bạn đã làm cho con đường của mình dễ dàng hơn
nhiều rồi đấy.
Thực hành
-
Bạn
hãy ghi ra tên 3 người bạn thân nhất của mình cùng những điểm mạnh của họ. Ban
thích ở họ nhất những điểm nào?
-
-
Giờ
hãy viết ra những điểm mà bạn không thích nơi họ. Những đức tính tiêu cực này
là vặt vãnh hay quan trọng đối với bạn?
-
Bạn có
cần phải thay đổi điều gì không? Nếu có, bạn sẽ làm gì? Khi nào bạn làm nó?
1.8. Xây dựng niềm tin vào bản thân mình
Cái nào đến trước, thành công hay niềm tin vào bản thân
mình? Cả hai đều vô cùng quan trọng! Chúng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu bạn không tin
vào bản thân mình thì chẳng có ích gì để cố gắng, phải không? Nếu bạn nghĩ mình
sẽ thất bại thì rốt cuộc bạn sẽ thất bại mà thôi. Nếu bạn mong muốn làm được
một điều „thần kỳ‟ nào đó trong trường học thì niềm tin là yếu tố đặc biệt quan
trọng giúp bạn làm được điều đó. Niềm tin dường như là nền tảng cho mọi phép
lạ, cho mọi thành công vượt bậc đến không ngờ. Điều gì giúp tạo nên niềm tin?
Đó là thái độ tích cực đối với hai điều – niềm tin vào bản thân và niềm tin ở
một sức mạnh nào đó cao hơn. Chính những niềm tin ấy giúp bạn làm lên những
điều mà người khác không bao giờ nghĩ rằng bạn có thể làm được.
Có lẽ bạn đang suy nghĩ rằng
mình cần những thứ ngoại lực nào đó để thành công. Bạn có nghĩ rằng mình thiếu
những công cụ, nguồn tài liệu, cơ hội, sự sáng tạo và thông minh cần thiết để
đạt được chúng? Hãy quên đi những suy nghĩ tiêu cực đó! Hãy cùng nhau kiểm kê
lại những khả năng tự nhiên thật tuyệt vời mà ta đã được ban tặng từ khi mới
chào đời.
-
Đôi mắt tuyệt diệu của bạn có hàng trăm triệu
cơ quan cảm nhận giúp bạn nhìn rõ thế giới này. Bạn có thể ngắm nhìn cảnh hoàng
hôn tuyệt đẹp trong một buổi chiều rực đỏ, đọc một quyển sách hay đầy ý nghĩa,
hay được nhìn thấy những người mà bạn yêu dấu. Một tài sản tuyệt vời!
-
Thông qua đôi tai được cấu tạo hết sức phức tạp
và tinh tế, bạn có thể lắng nghe những điều tuyệt diệu. Bạn có thể cảm nhận
giai điệu du dương của một bản nhạc không lời, nghe thấy tiếng nước chảy róc
rách hay một giọng nói thân thiện, ngọt ngào. Còn gì quý hơn nào!
-
Giọng nói của bạn có thể thốt lên những lời dịu
dàng êm ái làm vui lòng người khác hay nói được bất cứ ngôn ngữ nào trên thế
giới (dĩ nhiên là với điều kiện bạn phải cất công học tập). Bạn có thể cười
nói, thì thầm, hay kêu lên vì vui sướng. Đừng lãng phí nó nhé!
-
Cơ thể đáng kinh ngạc của bạn có hơn 500 loại
cơ bắp, 200 đốt xương, và gần 100 ki lô mét động mạch và tĩnh mạch để phục vụ
bạn. Mỗi ngày quả tim bạn phải đập hơn 100.000 lần và bơm 15.000 lit máu mà
không hề than phiền gì hết. Một kho tàng vô giá!
-
Không có một chiếc máy vi tính dù với giá cả,
kích cỡ và thế hệ tiên tiến loại nào có thể sánh được với sự phức tạp của bộ
não bạn. Thậm chí không một chiếc siêu máy tính nào với kỹ thuật tối tân nhất
có thể thực hiện được những nhiệm vụ mà một bộ não của một đứa bé có thể làm!
Não bộ của bạn kiểm soát hàng triệu cơn đau, sự va chạm và điều chỉnh sự thay
đổi nhiệt độ khắp cơ thể bạn, giúp bạn có thể thích nghi được với những sa mạc
nóng bỏng, vùng băng cực lạnh giá, đại dương mênh mông, không gian kỳ bí, và kể
cả những môn học „khó nuốt‟ nhất ở trường!
Bạn chính là sự sáng tạo phức tạp nhất của tạo hóa. Bạn là
tác phẩm tuyệt diệu nhất của loài người. Đừng bao giờ một lần nữa than phiền
rằng bạn không có những khả năng đặc biệt nào đó mà bạn cần có để đạt được ước
mơ. Trên thế giới này chỉ tồn tại duy nhất một con người như bạn. Ngay cả những
người anh em sinh đôi cũng có những bộ não suy nghĩ khác nhau. Hãy trân trọng
sự độc nhất của bạn. Hãy sử dụng những tài sản quý giá của bạn để trở thành một
sinh viên mà mình mong muốn.
Thực hành
Bạn có
thể xây dựng sự tự tin và niềm tin trong chính con người bạn thông qua những
việc làm đơn giản sau đây:
-
Đề ra
những mục tiêu ngắn hạn, dễ đạt được và ngắm nhìn thành công đến liên tiếp.
-
Xóa bỏ
những mặc cảm tự ti trong quá khứ và tập trung những suy nghĩ hiện tại vào
những điểm mạnh và đức tính tốt đẹp nơi bạn. Điều này giúp mang lại cho bạn một
hình ảnh mạnh mẽ hơn về con người bạn, vì vậy giúp xây dựng một niềm tin vững
chắc.
1.9. Vì sao cần học thêm cho mình một số kỹ năng nhất định?
Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn có rất nhiều phẩm chất đặc
biệt. Chỉ việc bạn là một thực thể duy nhất mà không ai giống được trên thế
gian này cũng làm bạn trở nên đặc biệt rồi. Có một điều nữa mà bạn có thể làm
để giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình dễ dàng hơn là hãy học cho mình
những kỹ năng đặc biệt nào đó. Trong thế giới ngày nay, bạn sẽ phải cần vừa trở
thành cả một người có tri thức bao quát (tức là có những kiến thức tổng quát về
các xu hướng hiện tại của địa phương, quốc gia hay toàn cầu) lẫn là một người
có những hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nhất định. Đây là những kỹ năng sẽ
giúp bạn thêm tự tin và làm cho việc học lẫn cuộc sống xã hội trở nên thuận lợi
hơn.
Vì thế hãy đăng ký học thêm những khóa học kỹ năng như vi
tính, nghệ thuật giao tiếp, tâm lý hay một ngoại ngữ nào đó. Học hỏi từ những
người bạn đã giỏi sẵn một lĩnh vực cụ thể mà bạn muốn noi theo. Tham gia những
lớp hội họa, học chơi một nhạc cụ hay tham gia đội bóng của trường. Một khi bạn
đã giỏi một hoạt động nào đó thì chúng sẽ trở thành những ưu điểm nhất định
giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống sau này.
Sau đó, hãy rèn mình vào một số kỷ luật nhất định để tập
cho được những thói quen tốt giúp bạn thành công. Mặc dù lúc nào bạn cũng có
thể gặp những người luôn miệng than phiền về những khó khăn trong việc học, hãy
tảng lờ người đó đi. Cũng có rất nhiều người tham gia hàng đống khóa học nhưng
vẫn có đủ thời gian vui chơi giải trí đó sao. Bạn có thể làm được mà, điều quan
trọng ở đây chính là bạn có quyết tâm làm được nó hay không mà thôi.
1.10. Cách tạo ra động lực thúc đẩy
Động cơ thúc đẩy sẽ dễ dàng được tạo ra nếu bạn biết cách
thức nó hoạt động. Hãy nhớ lại những điều đã khiến bạn cảm thấy say mê khi làm
một việc nào đó trước đây, đơn giản như
khi bạn vui vẻ thức dậy sáng nay, mặc quần áo, ăn sáng, đọc quyển sách này và
nói: “Đâu có gì là khó lắm. Ai cũng có
thể làm được mà!”. Thế thì bạn cũng có thể tìm thấy được những động cơ tương
tự như thế giúp bạn yêu thích việc học hơn. Đó đơn thuần chỉ là vấn đề tìm xem
đầu óc bạn đã làm gì khiến bạn hoạt động một cách hăm hở, mê say đến thế. Không
phức tạp lắm đâu. Tuy nhiên bạn cần nghiên cứu bản thân mình một chút đấy. Đơn
giản là hãy đọc một mạch chương sách này, sau đó quay trở lại và làm theo những
chỉ dẫn này. Nhắm mắt lại và nghĩ về một việc mà bạn đã làm một cách say sưa,
thích thú. Bạn đã có những cảm giác gì khi làm việc đó? Mức độ mạnh mẽ của
chúng trên thang điểm từ 1 đến 10 là như thế nào? Ban có nghe những âm thanh
hay giọng nói nào đó khiến bạn hưng phấn? Bí mật thật sự của mục tiêu chính là
tìm xem bạn đã làm việc như thế nào. Ví dụ, khi bạn đang say mê làm một việc gì
đó, bạn hay thầm nhủ với mình một số điều. Bạn đã nói hay nghe điều gì khiến
bạn luôn trong tinh thần phấn khích đó? Có thể bạn có một cảm giác nhất định
nào đó, như một tia lửa ngùn ngụt cháy trong tim bạn? Bạn có thể mang lại cảm
giác đó cho mình bất cứ khi nào bạn muốn không? Hay có thể là trong đầu bạn
luôn sống động những hình ảnh đẹp đẽ, vui tươi, hạnh phúc khi những mục tiêu
của bạn đã được thực hiện? Hay cũng có thể những mục tiêu của bạn chưa được
hoàn thành và chính điều đó lại càng khiến bạn có động lực để làm chúng hơn.
Hãy dùng những cảm xúc đó, lời nói đó, hình ảnh đó cho những việc khác và bạn
sẽ lại cảm thấy niềm say mê quay trở lại.
Nhiều người luôn thành công chính là vì họ đã học được cách
vận dụng những sức mạnh tinh thần khiến họ luôn tập trung cao độ và hăng say
làm việc để đạt được những mục tiêu của mình. Bạn cần phải muốn nó thật mạnh mẽ
đến mức bạn không thể nào chấp nhận một kết quả thấp hơn. Hãy tận dụng những
cảm giác, kinh nghiệm trước đó của mình để luôn khích lệ tinh thần bạn, khơi
dậy được ngọn lửa nhiệt huyết trong tim, có được một nguồn cảm hứng cao độ
trong việc học. Như vậy, bạn sẽ biến mình từ một „người lữ khách‟ sang người
lái „chuyến xe của cuộc đời‟. Điều này mới thật tuyệt diệu làm sao, phải không
bạn?
1.11. Cách đối mặt với những vấn đề cá nhân
Ai cũng có những vấn đề của riêng mình và những tình huống
ấy làm cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Xe hư, bệnh tật, bất hòa gia đình, hay
những mâu thuẫn trong tình cảm đều có thể làm cuộc sống chúng ta thêm rắc rối,
nhưng dù có thế nào đi nữa thì cũng chẳng có lý do gì để chúng ngự trị và điều
khiển cuộc đời ta. Những sự việc ấy nào có phải là thảm họa nếu chúng ta biết
cách nhìn nhận về chúng đúng đắn hơn.
Một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người khi gặp
phải các vấn đề cá nhân là tâm lý né tránh chúng bởi vì chúng khiến ta phải suy
nghĩ quá nhiều. Thay vì vậy, hãy dám đối diện với những khó khăn của mình. Nếu
vấn đề của bạn có liên quan tới một người nào đó, thì hãy gặp và nói chuyện với
người đó. Cố gắng làm cho mọi chuyện rõ ràng càng sớm càng tốt. Hãy thẳng thắn,
chân thành, nồng ấm và đầy thiện ý. Nói lên cảm xúc của mình trước rồi mới đến
những suy nghĩ của mình sau.
Hãy lắng nghe phía bên kia trước khi đưa ra một quyết định
nào đó. Điều quan trọng ở đây là bạn phải kiểm soát được tình hình và dám đối
diện với chúng. Trốn tránh chỉ khiến sự việc kéo dài và rắc rối thêm. Cố gắng
đừng suy nghĩ quá nhiều hay lẩn tránh những vấn đề của bạn. Hầu hết những mâu
thuẫn cá nhân đều nhạt nhòa dần theo thời gian nhưng bạn có đáng phải thụ động
chờ đợi lâu đến thế không?
Ngoài ra, hãy tranh thủ sự
giúp đỡ và những ý kiến quý báu của bạn bè, cha mẹ hay thầy cô. Thường thì mọi
người hay có chiều hướng nghĩ rằng họ là những người duy nhất gặp rắc rối, vì
vậy họ đâm ra ngại ngùng khi nói về chúng. Nhưng đó là một sai lầm. Bất cứ ai
cũng có những vấn đề của riêng mình, từ người giàu đến kẻ nghèo, từ người khỏe
mạnh tới người ốm đau, từ người trí thức tới những kẻ thất học. Nếu bạn còn
đang thở, bạn sẽ vẫn còn phải đối diện với mọi loại vấn đề. Thời điểm duy nhất
bạn không còn gặp chúng chỉ là khi bạn không còn tồn tại nữa! Vì thế, hãy trở
nên quen thuộc với chúng – chúng sẽ không bao giờ biến mất đâu! Điều duy nhất
giúp bạn thay đổi tình hình chính là khả năng đối diện và giải quyết
các vấn đề đó. Và bạn càng sớm biết cách xử lý chúng hơn thì bạn sẽ càng có
nhiều niềm vui và ít sự căng thẳng hơn trong cuộc sống.
1.12. Tại sao bạn phải tập cho được tính kiên trì?
Động cơ thúc đẩy là yếu tố vô cùng quan trọng để bắt đầu
con đường dẫn đến thành công và lòng kiên trì sẽ giúp bạn đi suốt trên con đường
đó. Động cơ giống như nhiên liệu cho xe; nó khiến bạn đi tới những mục tiêu của
bạn. Nhưng chiếc xe nào rồi cũng phải hết xăng và lòng kiên trì sẽ có mặt ở đó
để tiếp thêm nhiên liệu. Điểm bắt đầu để tập được tính kiên trì là việc có được
một điều gì đó khiến bạn luôn cố gắng hướng tới nó. Hãy tạo ra một mục tiêu rõ
ràng và chính xác trong đầu và để nó ở đó. Động cơ của bạn sẽ thúc đẩy bạn tiến
tới hành động và lòng kiên trì sẽ làm bạn không ngừng hành động. Lòng kiên trì
sẽ luôn ở bên bạn nếu bạn học được cách nuôi dưỡng và phát triển nó trở thành
một phần trong tính cách bạn.
Những người thành công là những người luôn bền bỉ với những
mục tiêu của đời mình. Họ không bao giờ dễ dàng đầu hàng trước những khó khăn,
thử thách. Họ sẽ luôn tìm kiếm và tận dụng tối đa mọi sự lựa chọn và khả năng
có thể xảy ra. Rất nhiều việc đã bị bỏ dở vì con người đã chào thua và mất đi
sự khao khát chiến thắng để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn. Một thiên
tài không ngồi đó chờ đợi một niềm cảm hứng đến bất chợt. Kết quả tốt đẹp bao
giờ cũng đến từ thời gian và sự lao động miệt mài của bạn. Edison đã rất chính
xác khi nói rằng: “Thiên tài là kết quả
của 1% cảm hứng sáng tạo và 99% của lòng kiên trì.” Và hiển nhiên là ông
phải biết rõ hơn ai về điều đó. Ông là người nắm giữ nhiều bằng sáng chế hơn
bất cứ người nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hẳn ông cũng đã trải qua
không biết bao nhiêu thất bại trong sự nghiệp của mình để có được thành công như
ngày hôm nay.
1.13. Hành động là yếu tố mang tính quyết định
Chúng ta đã đi một đoạn đường khá dài trong cuốn sách này.
Chúng ta đã cùng thảo luận nhiều ý tưởng và cách thức thực hiện. Còn bây giờ,
hãy cùng nhau xem xét nguyên tắc cuối cùng của thành công – đó chính là hành động. Nó rất quan trọng, phải
không các bạn?
Mọi khát khao, mọi kế hoạch, mọi kiến thức đều là vô dụng
nếu nó không được đưa vào hành động. Không kế sách nào tự thắng một cuộc đấu,
không đạo luật nào tự ngăn chặn được hành vi phạm tội, không quyển sách nào tự
mình đọc nó. Hành động là yếu tố quyết định. Hãy lặp đi lặp lại điều này với
bạn mãi. Hành động là yếu tố quyết định. Đừng đợi tới ngày mai. Đừng đợi tới
một thời điểm mà bạn cho là thuận lợi. Thời điểm đó chính là lúc này. Đừng lo
lắng về việc phải làm gì hay làm nó như thế nào. Chỉ cần nói „lúc nào‟. Hãy nói
„bây giờ‟. Bắt đầu ngay vào lúc này, ngay tại giây phút quý giá này, vì nó sẽ
không bao giờ quay lại nữa. Hãy hành động ngay vào hôm nay, vì chỉ còn vài
tiếng nữa thôi là ngày đã tàn rồi. Hãy sống trọn vẹn từng ngày qua hành động và
những việc làm của bạn.
Thực hành
-
Lên
một danh sách những việc bạn sẽ thực hiện vào tuần sau giúp bạn tiến gần hơn
các mục tiêu của mình. Tiếp theo, hãy khoanh tròn những việc bạn có thể bắt tay
vào làm ngay bây giờ. Việc làm này sẽ giúp bạn khởi động con đường đi tới ước mơ của bạn.
-
Đừng
trì hoãn nữa. Hãy bắt đầu thật sớm trong ngày, khi mà bạn còn đang tràn đầy
sinh lực và những mục tiêu còn đang rõ ràng, hấp dẫn. Đơn giản là hãy bắt tay
vào hành động ngay ngày hôm nay. Hãy dẹp bỏ những lý do biện hộ sang một bên.
Hãy tận hưởng cuộc sống, cười vui và tiến lên phía trước. Nhưng quan trọng hơn
hết là bạn phải hành động, hành động và hành động ngay bây giờ. Hành động là
điều duy nhất mang lại những phần thưởng mà bạn mong muốn. Nó là yếu tố hiệu
nghiệm nhất của thành công.
-
Hãy
chia nhỏ nhiệm vụ bạn sẽ làm thành nhiều phần nhỏ dễ thực hiện hơn. Bất cứ một
nhiệm vụ dễ gây nản lòng nào cũng có phần bắt đầu, phần giữa và phần cuối. Nếu
bạn không thể làm nó xong hết trong ngày thì ít nhất hãy bắt đầu và cảm thấy sự
tiến bộ ngày càng gia tăng.