You are never a loser until you quit trying!

[Phần 4] Chiến thuật học tập - Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết

CHƯƠNG 4. CHIẾN THUẬT HỌC TẬP   

Nếu bạn chỉ là một học sinh trung bình thì chắc hẳn là bạn đã mất hàng ngàn giờ học tính từ lớp 1 đến lớp 12. Số lượng thời gian khổng lồ này có thể giảm xuống rất nhiều nếu bạn biết sử dụng những kỹ năng học một cách thông minh. Nhưng rất nhiều sinh viên vẫn chưa từng được dạy cách học như thế nào cho có hiệu quả, nói cách khác là họ chưa được trang bị kiến thức hay tự bản thân chưa có ý thức tốt về phương pháp học tập. Vì lý do này, nên chương sách bạn đang đọc tới đây chính là chương quan trọng nhất của cuốn sách nhằm trang bị cho bạn những kỹ năng mang tính „chiến lược‟, giúp cho việc học của bạn trở nên khoa học, hiệu quả và không mất quá nhiều thời gian. Hãy đọc và sử dụng nó!
Học tốt không đơn giản bao gồm việc đọc sách, gạch dưới những điểm quan trọng hay đọc đi đọc lại tài liệu. Quá trình học mới mà chúng ta sắp đề cập dưới đây gồm hàng loạt những kỹ thuật dựa trên sự linh hoạt của bộ não được thiết kế để làm cho việc học của bạn trở nên sống động và mất ít thời gian hơn phương pháp cũ của bạn. Mới đầu trông nó có vẻ dài hơn, nhưng mỗi bước lại tốn ít thời gian hơn và vì nó được sắp xếp rất khoa học nên bạn chắc chắn sẽ thành công hơn trong các bài kiểm tra. Nào, chúng ta cùng khởi hành nhé. Dưới đây sẽ là một kế hoạch học tập mới mà không cần phải nghi ngờ gì nữa, sẽ mang lại cho bạn những thành công liên tiếp.

4.1. Chuẩn bị, hỏi, thu thập và đánh giá

Đã rất nhiều lần, các sinh viên xuất sắc đã chứng tỏ được rằng học giỏi không đơn giản chỉ là việc dành hết thời gian ngồi đọc sách và đánh dấu những điểm cần lưu ý. Cách duy nhất để học một tài liệu là trở nên chủ động trong việc tiếp thu và lĩnh hội các tài liệu đó. Học là một quá trình chủ động chứ không phải là ngồi chờ đó và tiếp thu kiến thức một cách bị động. Vì vậy, hãy sẵn sàng. Chúng ta cùng bắt đầu cùng  nhé!

4.1.1. Chuẩn bị tâm lý

Làm cách nào để chuẩn bị tâm lý cho việc học? Có rất nhiều cách hiệu quả. Hãy thực hiện những điều đơn giản dưới đây.
-          Loại bỏ hết những thứ có thể làm bạn phân tâm. Cố gắng giảm lượng giấy tờ trên bàn học, dọn dẹp hết những tranh ảnh, truyện hay những thứ khác có thể làm bạn xao lãng.
-          Vặn nhạc nhỏ xuống, hay là tắt luôn.
-          Tìm chỗ ngồi học thích hợp có thể cho bạn tư thế ngồi học tốt, thẳng lưng, vừa tầm nhìn.
-          Đặt một ly nước to gần đó.
-          Mặc quần áo thoải mái, tránh loại quá chật.
-          Xua tan mọi suy nghĩ lo âu bằng cách viết chúng ra giấy, cả những bước giải quyết tiếp theo để bạn khỏi cần phải nghĩ ngợi về chúng nữa. Ví dụ nếu bạn và một người bạn đang giận nhau thì hãy viết ra giấy bạn đã sai ở điểm nào, bạn muốn nói gì với người đó khi
gặp lại và cách hai người có thể giải quyết vấn đề với nhau. Đôi khi, điều bạn cần làm duy nhất chỉ là nói lời xin lỗi hay được người khác lắng nghe.
-          Chắc chắn rằng phòng học của bạn có đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, không gian thoáng đãng.
-          Lấy tài liệu ra và sắp xếp chúng lại theo từng loại. Xem thử bạn đã có những gì và đang thiếu thứ gì.
-          Lấy bài tập ra xem bạn cần phải làm gì. -       Hít sâu và thư giãn đầu óc.
Cuối cùng thì bạn đã sẵn sàng để học rồi. Nào, bây giờ lật tài liệu ra và bắt đầu đọc lướt qua.
Tai sao phải đọc lướt qua tài liệu? Việc này giúp chuẩn bị cho trí óc bạn về những gì  sắp học. Bộ não bạn thì không được thiết kế tốt lắm để phải đối diện với những ý tưởng hay khái niệm lớn lao lúc mới bắt đầu việc gì. Nhưng mà nó lại rất giỏi trong việc tiếp cận với những ý tưởng sẽ trở thành những khái niệm lớn lao sau này. Việc xem lướt qua các tài liệu giúp chuẩn bị tâm trí bạn cho chủ đề học hôm đó và để nó có thể sẵn sàng tiếp thu khối lượng kiến thức nhiều hơn sau đó.
Phải đọc lướt qua những gì? Xem qua nguồn tài liệu mà bạn cần cho môn học đó. Ví dụ như:
-          Sách giáo trình.
-          Sách tham khảo mượn ở thư viện.
-          Tạp chí chuyên ngành.
-          Tập ghi chép trong lớp.
-          Mục lục các đĩa CD-ROM. -    Internet.
-          Những bài viết nghiên cứu khoa học.
Đọc lướt qua như thế nào? Rất đơn giản:
-          Không mất quá 5 tới 30 giây để lướt qua mỗi trang tài liệu.
-          Chú ý tới tất cả các tiêu đề lớn, đề phụ và hình vẽ tóm tắt. Xem coi chúng có chứa những thông tin mà bạn cần tìm không.
-          Ghi nhớ phần nào nằm ở vị trí nào trong các tài liệu để lát nữa bạn có thể quay lại nghiên cứu kỹ hơn.
Ví dụ, bạn sẽ xem nhanh qua một cuốn sách như sau. Bắt đầu bằng việc lật nhanh các trang sách để xem lướt qua nội dung. Trả lời ngắn gọn những câu hỏi sau:
1. Chủ đề chính của quyển sách là gì? 2. Bạn đã biết những gì về chủ đề đó?
3.      Những thuật ngữ đặc biệt nào được dùng để trình bày chủ đề đó?
4.      Tác giả là ai?
5.      Quyển sách được bố cục ra sao?
6.      Mức độ khó của nó như thế nào?
Tao ra một bản đồ tinh thần trong đầuBạn đã từng bao giờ cố gắng (hay dám) sắp xếp những mảnh ghép của trò chơi xếp hình mà không hề biết hình vẽ trên mặt ngoài hộp là như thế nào không? Gần như là vô vọng! Bộ não của bạn tiếp thu rất tồi những thông tin rời rạc như vậy, nhưng nó sẽ học rất tốt nếu biết được „bức tranh‟ lớn là gì. Thế bạn phải làm thế nào? Bạn chỉ cần mất vài phút để vẽ ra một sơ đồ hay hình vẽ mang tính tổng quát. Bạn không nhất thiết phải là một họa sĩ mới vẽ được như vậy. Bạn chỉ cần một tờ giấy, một cây viết và những suy nghĩ là đã có thể tạo ra một bản đồ tinh thần rồi.
Bắt đầu tổ chức lại suy nghĩ của bạn quanh cấu trúc của quyển sách. Quyết định xem bạn muốn học bao nhiêu phần của quyển sách này. Vẽ một bức hình về bố cục của nó. Bạn có thể vẽ theo kiểu hình cây, bong bóng, xương cá hay đơn giản chỉ là viết những thông tin quan trọng bên lề trái còn chi tiết bên lề phải. Hãy vẽ bản đồ này trước khi bạn đọc để giúp bộ não bạn sắp xếp và chứa dữ liệu. Sau mỗi chương hay mỗi phần, quay lại và ghi chú thêm. Dưới đây là một ví dụ minh họa:
-          Kỹ năng học tập 
-          Môi trường 
-          Có mục đích và mục tiêu học tập
-          Thu thập thông tin
-          Đánh giá những gì đã học
-          Thu thập tài liệu
-          Đặt câu hỏi. Chuẩn bị „bản đồ‟
-          Chuẩn bị
Trêm máy vi tính, bạn có thể lướt chuột nhanh qua các tài liệu. Hãy tìm mục lục hay  những từ khóa chính bằng cách đánh vào ô tìm kiếm (search). Bạn có thể dừng lại ở những điểm thú vị để xem kỹ hơn. Ghi nhớ trong đầu bạn đã xem qua những gì và chúng ở đâu. Một khi bạn đã kết thúc bước khởi đầu này rồi thì việc đọc lướt qua các tài liệu coi như đã hoàn tất.

4.1.2. Đặt câu hỏi

Quá trình xem lướt giống như là giai đoạn chuẩn bị trước khi bạn thực sự bắt tay vào việc. Nhưng bây giờ đã đến thời điểm cho trí óc bạn hoạt động toàn lực đây. Vì bộ não làm công việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi rất tốt nên đầu tiên chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì tâm trí bạn lại càng muốn tìm kiếm lời giải đáp nhiều hơn. Bạn đã xem qua tài liệu rồi, như vậy bạn đã biết cái gì dễ, cái gì khó. Bạn cũng đã biết chỗ nào chứa những thông tin bạn muốn và chỗ nào chỉ là những „điều ngớ ngẩn‟. Nào, bây giờ hãy bắt đầu học thật sự nhé!
Chúng ta hãy đi „săn tìm‟ những câu hỏi phù hợp. Di chuyển nhanh nhanh nào, đọc lướt qua các chương sách với tốc độ nhanh hơn bình thường. Mục đích của bạn bây giờ là tìm xem cái gì là quan trọng và nó được trình bày như thế nào chứ không phải là đọc nó.
Có hai nhóm câu hỏi. Nhóm thứ nhất giúp bạn nhận diện mình muốn gì từ các tài liệu.  Sau đây là những ví dụ minh họa về các câu hỏi như vậy, và chúng nên trở thành một phần trong thói quen trước khi đọc của bạn:
-          Ta đọc tài liệu này để tìm những gì?
-          Tài liệu này quan trọng đối với ta như thế nào? 
-          Những yêu cầu của giáo viên là gì?
-          Ta có muốn nhớ lại những dữ liệu cụ thể và các chi tiết khác không?
Nhóm câu hỏi thứ hai thì liên quan đến nội dung tài liệu hơn. Để có thể hỏi những câu hỏi chất lượng trong giai đoạn trước khi đọc vào chi tiết, bạn sẽ muốn xem nhanh qua tài liệu trước tiên.
Xem hết các tiêu đề in đậm, chuyển chúng thành các câu hỏi mà bạn sẽ trả lời sau này. 
Ví dụ:
-          Tựa đề/Tiêu đề chính của chương: Các mô hình máy tính  Các câu hỏi có thể là:
-          Các mô hình máy tính là gì?
-          Chúng hoạt động ra sao?
-          Tại sao ta cần biết về chúng?
Sử dụng những từ chính (từ khoá): Có bao giờ bạn để ý khi bạn đang đọc một tài liệu nào đó, có một số từ dường như muốn nhảy ra khỏi trang sách và mời gọi sự chú ý của bạn? Chúng như muốn nói: “Ê, nhìn mình này.” Đó chính là những từ quan trọng trong thông điệp mà tác giả quyển sách muốn truyền đạt tới bạn. Chúng dễ thấy, và là những từ ngữ được lặp đi lặp lại để làm toát lên chủ đề và những ý tưởng trung tâm của tác phẩm. Chúng là những từ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của tài liệu. Bạn có thể dùng những từ đó để biến thành những câu hỏi hữu ích. Làm sao bạn có thể nhận ra những từ đó? Nó dễ hơn là bạn tưởng đấy. Những từ chính luôn được trình bày để bạn đọc dễ nhận thấy nhất. Chúng chính là những đầu đề, phụ đề, từ in đậm, in nghiêng hay là những từ có tần số xuất hiện cao nhất.
Khi bạn đọc một quyển sách, tạp chí hay những ấn phẩm khác, hãy đọc lướt qua một cách nhanh chóng. Cấu trúc của tài liệu luôn cung cấp cho bạn những gợi ý để đặt ra câu hỏi. Về cơ bản, tất cả những gì khác với bình thường đều là những từ bạn cần đặt câu hỏi. Tất cả những gì bạn cần làm là thêm vào những từ để hỏi như “tại sao, thế nào, cái gì, ai, ở đâu và khi nào”.
Trong quá trình đọc lướt qua tài liệu, bạn sẽ khám phá ra rằng luôn có một sự thôi thúc bạn phải tập trung vào một phần cụ thể hay những chi tiết nào đó. Tuy nhiên, hãy lờ những sự thúc giục ấy đi mà tiếp tục đọc với tốc độ nhanh của bạn - chiếm từ 2 đến 10 giây mỗi trang. Nếu bạn bắt đầu đọc vào chi tiết quá sớm thì bạn sẽ làm chậm tiến độ đọc của mình mà có khi lại mất quá nhiều thời gian vào những phần không liên quan gì tới mục đích của bạn. Điều đó có thể dẫn đến sự mất đà đi tới. Vì vậy, để tránh việc này, hãy cứ đọc thật nhanh, ghi nhớ vị trí những điểm quan trọng rồi sau đó quay trở về với những chi tiết.
Đọc nhanh qua tài liệu và xác định những gì sẽ gợi nên những câu hỏi trong đầu bạn. Chúng có thể là:
-          Những câu có đánh dấu đầu hàng
-          Tựa đề
-          Phụ đề
-          Mục lục
-          Bìa trước và sau của sách
-          Trang đầu tiên và trang cuối cùng của quyển sách
-          Bảng chú dẫn
-          Những từ in đậm
-          Những từ in nghiêng
-          Đoạn đầu và cuối của một phân đoạn 
-          Số liệu hay sơ đồ
-          Tóm tắt chương
-          Những câu hỏi trước và sau khi đọc
-          Bất cứ thứ gì làm bạn chú ý
Ví dụ, nếu một tựa đề là “Bệnh dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21” thì bạn có thể đặt ra các câu hỏi sau: “Bệnh đó là gì?”, “Ai phát hiện ra nó?”, “Nó nghiêm trọng như thế nào?”, “Nó xảy ra ở đâu?”, “Ai đã bị nhiễm nó?”, “Chuyện gì xảy ra sau đó?”… Mỗi một dữ liệu nhỏ đều có thể biến thành câu hỏi. Câu hỏi thì có sức mạnh hơn nhiều so với câu trả lời.
Ban có thể sẽ nói: “Nhưng tôi cần lời giải đáp chứ đâu chỉ một mớ các câu hỏi làm gì!”. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các câu hỏi sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn là các câu trả lời xét về mặt lâu dài. Các câu hỏi sẽ cung cấp cho tâm trí bạn một mục tiêu để nó có thể bắt đầu quá trình „tìm kiếm và tìm thấy‟. Câu hỏi vẫn tiếp tục được xử lý ở nhiều mức độ rất lâu sau khi bạn đã tìm ra một câu trả lời. Câu hỏi kích thích sự suy nghĩ, câu trả lời thì không.
Bạn sẽ học được rất nhiều điều thông qua việc đọc nhanh và đặt câu hỏi. Có vẻ như đối với bạn, nó không giúp ích gì nhiều lắm cho việc học nhưng thật sự không phải như vậy. Bạn sẽ biết được ba loại thông tin sau: 
1)      Những nội dung quan trọng nhất
2)      Cấu trúc cơ bản của tài liệu
3)      Hàng ngàn từ, ý tưởng, hay ý nghĩa mà bạn lĩnh hội vô thức 
Đôi khi, bạn sẽ thật sự tìm thấy mọi điều mà bạn cần biết chỉ thông qua quá trình đọc lướt. Đó là một trong những niềm vui bất ngờ của giai đoạn trước khi đọc vào chi tiết. Bạn sẽ biết được phải trông đợi những gì, và nơi cần tìm những thông tin quan trọng là ở đâu. Dần dần, giai đoạn này sẽ trở thành phần có giá trị nhất của toàn bộ tiến trình đọc của bạn.
Thay đổi „chiến thuật‟ đọc thông qua giai đoạn trước khi đọc (hay còn gọi là giai đoạn “đọc
tiền đề”)                        
Ý nghĩa của giai đoạn đọc tiền đề chính là để thu thập đủ thông tin trước khi quyết định đọc sâu hơn vào tài liệu. Giai đoạn này sẽ tạo nền tảng vững chắc, giúp cho cả quá trình đọc sau này mang tính hiệu quả cao nhất. 
Tại giai đoạn này, bạn có lẽ muốn đặt ra cho mình những câu hỏi vô cùng quan trọng như “Đọc toàn bộ tài liệu này có cần thiết cho mục đích của ta không?”, “Thay vì vậy, liệu ta có thể tìm được những thông tin cần thiết nếu chỉ đọc một hay hai chương nào đó mà thôi không?”, hay “Ta phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để thỏa mãn mục đích của mình?”, hoặc “Ta chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản hay phải nắm được hết các chi tiết?”. Bạn cũng có thể hỏi mình một câu hỏi như “Ta muốn học chuyên sâu, hay chỉ đọc cho vui, hay là để giết chết thời gian?”
Nhiều sinh viên và những nhà kinh doanh thường phàn nàn rằng họ phải đối mặt với hàng đống tài liệu nhưng chẳng biết làm sao „tiêu thụ‟ cho hết. Thực sự, cái họ cần chính là tận dụng cho tốt giai đoạn đọc tiền đề. Mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.  Bây giờ đã là lúc được phải sử dụng giai đoạn tiền đề này để điều chỉnh „chiến thuật‟ của bạn. Ban cần đọc một phần hay toàn bộ tài liệu? Bạn có cần phải ghi chú những điểm cần lưu ý không? Bạn có cần sử dụng một cây bút đánh dấu không? Ban chỉ cần đọc vài trang thôi có được không? Đây chính là thời điểm để bạn đưa ra những quyết định cụ thể về những gì mà bạn sắp đọc tới đây. Bạn sẽ chẳng còn là một loại người giở trang đầu cuốn sách và miệt mài đọc cho tới trang cuối cùng nữa. Từ bây giờ trở đi, bạn sẽ đọc một cách thông minh, nhanh, và hiệu quả hơn.
Bạn chọn cái bạn cần đọc, cách bạn đọc nó, và phải làm gì với điều bạn đọc. Và kỹ năng này thật tuyệt! Hãy nhớ rằng, đó là một quá trình tích cực và chủ động. Cứ thoải mái ghi chú trong khi bạn đang tìm kiếm những câu hỏi – không cần gì chi tiết lắm đâu, nó có thể là bất cứ cái gì mà bạn thấy là quan trọng. Nhưng phải chắc chắn là bạn ghi lại tựa đề các chương, các phụ đề nhỏ và những ý chính vào tập. Việc này chỉ mất vài giây mỗi trang nhưng nó sẽ cho bạn những đầu mối quan trọng và sau này giúp bạn đọc nhanh hơn vì bạn đã được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những ý tưởng mới.
Hãy xem qua các biểu đồ, bản đồ, hình minh họa và tranh ảnh. Chúng sẽ giúp bạn nắm được nội dung mỗi điểm nhanh hơn. Sau đó hãy đọc phần tóm tắt hay các câu hỏi ở cuối mỗi chương. Phần tóm tắt thường rất hữu ích vì chúng chứa đựng những điểm mà tác giả cho là quan trọng nhất. 

4.1.3. Thu thập câu trả lời                          

Như vậy là cho tới giờ bạn đã làm được hai việc rất quan trọng đối với việc đọc của mình: thứ nhất, đọc lướt nhanh để nắm được tổng thể cấu trúc tài liệu, sau đó chuẩn bị trong đầu một tư thế và thái độ sẵn sàng bước vào quá trình đọc nhanh, sâu hơn để có thể thu thập những thông tin mà mình mong muốn. Thật sự, nếu bạn nghĩ rằng mình đã quen thuộc và hiểu được tài liệu này thì thật tuyệt! Đó chính là điều mà bạn muốn có. Còn nếu bạn vẫn cảm thấy không chắc chắn hay mơ hồ về nó thì cũng tốt thôi, bạn sẽ có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều trong kho tàng tri thức vô tận này.
Bây giờ đã đến lúc tập trung hơn vào tài liệu đây. Đây là lúc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đã đặt ra. Hãy đọc kỹ từng chương sách để hiểu sâu hơn về những ý tưởng của tác giả. Sau mỗi trang hay mỗi ý chính, quay lại bổ sung thêm vào những ghi chú của bạn. Tránh đọc quá một trang mà không ghi chép gì cả. Đây là một kỹ năng quan trọng nhằm củng cố sự hiểu và trí nhớ của bạn đối với các thông tin mình nhận được. Tương tác với tài liệu bằng cách dùng từ ngữ của riêng mình liên tục tóm tắt nó trong tập ghi chép của bạn.
Cách học cũ ngày xưa thường là đọc, đọc và lãng quên. Hãy tập cho mình thói quen đọc và tương tác lại với tài liệu. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy rằng quyển sách tẻ ngắt nhất cũng trở nên thú vị. Thông thường chỉ cho tới khi bạn đọc xong toàn bộ chương sách thì bạn mới có thể đánh giá được những điểm nào là quan trọng nhất. Vì vậy, khi đọc, tốt nhất là bạn hãy dùng một cây viết chì để đánh dấu những điểm cần lưu ý để sau đó bạn có thể quay lại chỉnh sửa, tẩy xóa theo ý bạn. Tiếp tục đọc từng chương, từng phần, từng đoạn, đánh dấu những ý quan trọng và ghi chép, bổ sung thêm vào sổ ghi chép của bạn.

4.1.4. Đánh giá và tương tác lại tài liệu đọc

Như vậy là bạn đã học được cách tiếp nhận thông tin theo một cách hiệu quả hơn xưa rồi. Đây là một quá trình chủ động hơn nhiều, và mặc dù mới đầu, bạn phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức hơn nhưng nó xứng đáng để làm như vậy. Hãy cùng xem lại chúng ta đã có gì và chưa có những gì. Xem qua bản liệt kê tinh thần này nhé.
-          Quay lại từ đầu tài liệu và đọc lướt nhanh qua để gợi lại trí nhớ của bạn.
-          Trả lời các câu hỏi mà tác giả đặt ra sau mỗi chương.
-          Trả lời những câu hỏi mà bạn đã đặt.
-          Bạn có thể nhìn mục lục và nói về từng chủ đề, tiêu đề, phụ đề ở đó không?
-          Bạn có thể học từ những ghi chép của mình không?
Khi bạn đã quen với những loại câu hỏi này thì bạn sẽ trở thành một người học thành công và hiệu quả hơn. Tại sao? Bởi vì một phần của khả năng thành công trong học tập là biết cái bạn không biết và biết cần đặt ra những câu hỏi nào. Cho tới giờ, mục tiêu của bạn là nắm được những ý nghĩa, khái niệm, và thông tin chính từ những quyển sách dày cộm của mình.Với bất cứ môn học nào bạn cũng làm được như thế.
Sách học của bạn thường được viết bằng những thuật ngữ mang nặng tính học thuật bởi những nhà khoa học, các giáo sư hay những tác giả chuyên môn làm cho bạn thấy chúng khó hiểu và khó nhớ. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết được khó khăn này một cách dễ dàng. Bạn hãy dùng ngôn ngữ riêng của mình hay vẽ những sơ đồ giúp bạn học bài nhanh hơn. Bạn cũng có thể muốn xét đến những kết luận mà tác giả muốn nói thông qua bài viết. Bạn có đồng ý với họ không? Tại sao tác giả quyển sách lại đưa ra những kết luận đó? Nếu bạn không đồng ý, thì theo bạn, tác giả còn thiếu sót ở điểm nào? Khi đặt ra những câu hỏi này, bạn đã thật sự hòa nhập vào quyển sách và ít nhiều những suy nghĩ mà tác giả có khi viết nên nó.

4.2. Tạo nên ý nghĩa

Ý nghĩa là một phần rất quan trọng của cả quá trình học. Cách chúng ta cảm nhận về những gì đang học sẽ thay đổi cách chúng ta lĩnh hội chúng. Đơn giản là, khi chúng ta quan tâm hay yêu thích một đề tài nào đó thì ta sẽ cảm thụ và học nó được nhanh và nhiều hơn (vì nó có nhiều ý nghĩa với bạn) so với những gì ta cảm thấy không mấy thiết thực và liên quan tới mình.
Việc tìm kiếm ý nghĩa là một yếu tố bẩm sinh. Lúc nào bạn cũng đang tìm ra ý nghĩa của những gì đang diễn ra quanh bạn. Thỉnh thoảng bạn cần thời gian để đi vào bản chất bên trong và tạo ra những ý nghĩa của riêng bạn về việc học. Nhưng trong khi việc tìm kiếm ý nghĩa là điều tự nhiên thì thành công của sự kiếm tìm đó vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Không có điều gì có ý nghĩa trừ khi bạn cho nó một ý nghĩa riêng của bạn. 
Có ba cách chủ yếu giúp bạn tạo ra ý nghĩa của một điều gì đó. Mặc dù có thể bạn không chủ ý thực hiện chúng nhưng chúng vẫn cứ xảy ra. Đó là:
1)      Sự liên quan.
2)      Cảm xúc.
3)      Bức tranh tổng thể.
Bất cứ điều nào trong những yếu tố vừa kể trên đều sẽ giúp bạn tìm ra ý nghĩa. Hai hay ba trong số chúng sẽ lại càng tạo ra một ý nghĩa mạnh mẽ hơn.

4.2.1. Tạo ra sự liên quan

Những gì bạn nghe hay thấy trước đây đều được bộ não bạn xử lý theo những cách khác nhau. Những điều nào có liên hệ gần gũi với bản thân bạn thì bạn sẽ hiểu nó nhiều hơn. Sự liên quan có giá trị thế nào đối với việc tạo ra ý nghĩa? Không có gì là phức tạp cả. Bạn đã tạo ra một thanh nam châm trong đầu để khi bạn thấy chúng lần nữa, chúng sẽ trở nên quen thuộc hơn với bạn. Ở những tài liệu mà bạn đã có sẵn kiến thức nền tảng thì việc đọc sẽ trở nên nhanh hơn. Trong việc đọc sách có một số cách giúp bạn tạo ra sự liên quan.
Điều cần làm:
Một trong những cách tốt nhất giúp bạn gia tăng tốc độ đọc của mình là đọc những gì cơ bản, đơn giản, dễ hiểu của cùng một đề tài đó. Việc này sẽ mang lại cho bạn những từ ngữ liên quan, những kiến thức nền tảng giúp bạn thấy dễ dàng hơn khi đọc những tài liệu khó hơn về cùng đề tài đó. Một cách khác cũng rất hiệu quả là giai đoạn đọc lướt ý chính trong tài liệu. Như chúng ta đã cùng thảo luận, bạn chỉ cần đọc nhanh trung bình từ 1 đến 5 giây mỗi trang. Nó có tác dụng tốt vì ở tốc độ đó, thay vì đọc sâu, bạn có thể tạo ra những sự liên hệ, thiết lập mục đích, đặt những câu hỏi liên quan, sơ đồ hóa cấu trúc và nắm được những nội dung chính của tài liệu.
Bây giờ thì bạn đã có thể liên hệ tài liệu đọc với tập ghi chép bài giảng trong lớp chưa? Nếu chưa, giờ bạn có thể dành thời gian nhớ lại các tài liệu của bạn không? Việc này cũng quan trọng như khi đọc chúng. Nếu những ghi chép của bạn không rõ ràng thì hãy viết lại chúng và sắp xếp các thông tin xoay quanh các ý chính. Hãy nghĩ về những khái niệm đã được trình bày trong chương này và cố giải thích chúng bằng ngôn ngữ của bạn xem sao.

4.2.2. Tạo ra cảm xúc

Bạn có thấy rằng mình nhớ tốt hơn khi đọc những gì thật đáng sợ, buồn bã, vui vẻ hay kinh khủng không? Những cảm giác này tác động tới các cơ quan giác quan của bạn và não bạn sẽ phản ứng lại những tình cảm đó. Nó sẽ phóng ra những hóa chất giúp lọc ra và ghi nhận những gì quan trọng và ý nghĩa nhất.
Những tình cảm yêu thích sẽ khiến bạn thấy một quyển sách nào đó có ý nghĩa hơn đối với mình. Bộ não cũng có thể mang lại ý nghĩa cho những gì bạn ghét. Đó chỉ là một quá trình hóa học tự động - bạn có xúc cảm với cái gì thì nó sẽ trở nên có ý nghĩa hơn đối với bạn.
Trong việc học, bạn cũng có thể lợi dụng hiện tượng này. Bạn càng có cảm giác mạnh mẽ về những gì bạn đọc thì bạn lại càng có nhiều khả năng nhớ nó lâu hơn và thấy chúng có ý nghĩa hơn. Một điều rất hay về điều này là nó có tác dụng hai chiều: ghét hay không đồng ý với điều gì đó cũng tạo nên ý nghĩa mạnh mẽ như thích hay đồng tình với nó.
Điều cần làm
Trong khi đọc, thỉnh thoảng hãy dừng lại và xem bạn cảm thấy như thế nào về những điều trong sách. Phản ứng tệ nhất là… không có phản ứng gì cả. Tạm thời dừng lại và để cho những cảm giác đó trở nên mạnh mẽ hơn trong bạn. Bạn có thể nói lớn ra những gì bạn đọc để cho cảm giác càng thấm sâu hơn. Hãy tạo ra cảm giác, tranh luận với người nào đó về nó hay phản bác nó.
Cảm xúc càng rõ nét bao nhiêu thì đề tài đó càng trở nên có ý nghĩa với bạn bấy nhiêu.

4.2.3. Đặt vào một bức tranh tổng thể

Một khi bạn đã nắm bắt được một bức tranh tổng thể rồi thì tất cả những mảnh ghép còn lại sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Như chúng ta đã nói trước đó, một trò chơi xếp hình thì sẽ dễ hoàn tất hơn nhiều nếu bạn biết bức tranh cuối cùng của nó có hình dạng như thế nào. Cầm một mảnh hình lên, nhìn vào hình vẽ trên bìa hộp và đặt nó vào nơi mà nó vừa khít. Thật là dễ dàng và dễ chịu làm sao. 
Đó là bởi vì, nếu bạn không trải qua giai đoạn đọc lướt trước khi đọc sâu, thì bạn sẽ thấy mình luôn tự hỏi: “Tác giả quyển sách này muốn đi tới đâu nhỉ? Ông ta muốn nói lên cái gì về những ý tưởng này nhỉ?”. Bạn có thể sẽ không tìm được lời giải đáp mãi đến khi bạn đã mất nhiều thời gian đọc gần hết quyển sách. Việc đọc lướt tổng thể  giống như cầm trong tay tấm bản đồ khi bạn vừa đến một thành phố xa lạ. Khi bạn đã có bản đồ rồi thì bạn có thể đi lại thoải mái hơn. Nhưng làm sao bạn có được tấm bản đồ này?
Dưới đây là một vài ví dụ những điều mà các sinh viên ưu tú khác đã làm:
-          Thực tập nhớ lại các thông tin có hay không có tập ghi chép hỗ trợ.
-          Học cách học và phản ánh lại kiến thức càng nhiều càng tốt từ những ghi chú riêng của mình. Chắc chắn là những ghi chú đó sẽ dễ hiểu hơn nhiều những từ ngữ dông dài và phức tạp của tài liệu bạn đã đọc.
-          Tránh đọc đi đọc lại các tài liệu. Kể từ bây giờ tốt nhất là bạn chỉ nên đọc lướt nhanh qua, và đặt ra hay tìm kiếm các câu hỏi hay câu trả lời. 

4.3. Để nhớ bài tốt hơn

Có nhiều cách giúp bạn nhớ những gì đã học lâu dài hơn. Yếu tố quan trọng duy nhất chính là bạn phải xử lý quá trình học - có nghĩa là bạn phải làm gì đó với nó. Nếu chỉ đọc rồi lại lãng quên thì đó quả là một cách sử dụng thời gian rất tồi. Nếu việc học là quan trọng thì việc nhớ lại những gì đã học cũng quan trọng không kém. Chương sau sẽ được dành toàn bộ để nói về cách làm thế nào để khắc những gì đã học vào ký ức lâu dài của bạn. Dưới đây tôi xin giới thiệu trước với các bạn một số mẹo cụ thể:
-          Tạo ra một cảm giác mạnh mẽ với tài liệu đọc.
-          Ôn lại những gì đã học trong vòng 10 phút, 48 tiếng và 7 ngày.
-          Dán chúng lên tranh ảnh hay áp phích, dùng những màu thật nổi.
-          Tóm tắt lên giấy bằng những từ riêng của bạn.
-          Ôn tập lại trong những môi trường giác quan khác nhau, ví dụ như sử dụng mùi hương thơm nhẹ.
-          Thực hành và áp dụng những gì đã học vào đời sống thực tế của chính bạn.
-          Tải tài liệu xuống máy tính để có thể ôn lại lần sau.
-          Học bài bằng cách hát nói theo giai điệu của một bài nhạc ráp.
-          Sử dụng những tình huống thực tế để thực tập nếu có thể.
-          Tranh luận với bạn bè về đề tài đó.
-          Tập viết một bài luận về đề tài bạn vừa học.
Việc sử dụng những mẹo nhỏ này, mà chúng ta sẽ nói kỹ hơn ở những chương tới, sẽ là một trong những sự đầu tư xứng đáng nhất của bạn. Hãy nhớ là, điều quan trọng không phải là những gì bạn biết mà là việc liệu bạn có biết nó khi bạn thật sự cần nó không (ví dụ ở các kỳ thi chẳng hạn). Thường thì các kỳ thi là những bài kiểm tra khả năng suy nghĩ, viết, và trí nhớ của bạn về những gì đã học chứ không phải chỉ là những kỹ năng đọc của bạn. Vì vậy hãy thực tập việc suy nghĩ, khả năng viết lách và sự nhớ lại những gì bạn đã học thông qua những mẹo nhỏ mà tôi vừa giới thiệu trên đây. Chúc bạn thành công!  
Tiếp tục series với Phần 5.Kỹ năng đọc hiệu quả

[Phần 3] Môi trường học tập - Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết

CHƯƠNG 3. MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP

Chúng ta không bao giờ làm việc, suy nghĩ, học tập hay vui chơi trong môi trường tưởng tượng; luôn luôn phải có một địa điểm, một bối cảnh nào đó cho các sự việc xảy ra. Chúng có tác động sinh học, xã hội học, tâm lý học lên bạn, và vì thế lên cả việc học của bạn. Nơi bạn học có lẽ cũng quan trọng y như là cách bạn học. Khi bạn quyết định chọn một môi trường học, hãy tạo cho mình mọi cơ hội tốt nhất mà bạn có thể để đạt được những kết quả mỹ mãn nhất.

3.1. Ánh sáng và nhiệt độ thích hợp

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ánh sáng tự nhiên là tốt nhất cho thị giác. Kế đến là loại đèn ánh sáng đỏ cuối cùng mới là các đèn huỳnh quang. Tốt nhất là để ánh sáng chiếu gián tiếp vì nó sự làm giảm sự mỏi mắt tới mức thấp nhất. Vì thế, hãy làm những gì có thể để cung cấp nguồn ánh sáng tốt nhất cho môi trường học tập của bạn. Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy một việc tưởng như đơn giản như thế lại có thể mang lại một sự tưởng thưởng xứng đáng.
Nhiệt độ cao làm giảm tính hiệu quả liên quan tới độ chính xác, tốc độ, sự khéo léo và tính sắc sảo. Trong rất nhiều những yếu tố cản trở đến việc học thì độ nóng là một trong những thứ có thể dễ dàng điều chỉnh nhất. Hãy cố gắng chọn học trong một môi trường mát mẻ (chứ không phải là lạnh) để có thể duy trì sự tập trung, chú ý và sự lĩnh hội. Đối với hầu hết mọi người, nhiệt độ học lý tưởng là từ 20oC đến 22oC.

3.2. Cây xanh, mùi thơm, âm nhạc

Các nhà khoa nói rằng một số loại cây nhất định có những tác động tích cực tới môi trường xung quanh. Chúng giúp loại bỏ những chất ô nhiễm khỏi không khí, gia tăng quá trình i-ôn hóa, và tiết ra khí ôxy. Thật vậy, theo một tổ chức nghiên cứu về không khí, cây xanh làm gia tăng lượng ôxy và hiệu suất hoạt động lên đến 10%. 
Mùi thơm có tác động rất mạnh tới chúng ta vì chúng được bộ phần giữa não xử lý trực tiếp. Điều đó có nghĩa là chúng ta tiếp nhận sự tác động trọn vẹn của mùi thơm trước khi chúng ta có một cơ hội, thậm chí là chỉ để nghĩ về chúng thôi. Một số loại hương giúp đầu óc tỉnh táo (chanh, quế, bạc hà) và thư giãn là (cải hương - lavender, cam, hoa hồng).
Hóa ra là một số loài hương nhất định lại có khả năng kích thích sự chú ý và trí nhớ của ta một cách tích cực. Hai loại tốt nhất chính là hương chanh và hương bạc hà. Làm sao bạn có được nó trong phòng học? Bạn có thể mua dầu chanh và bạc hà và đặt chúng gần hay trong quạt máy hoặc nến. Bạn cũng có thể sử dụng một số loại nước xịt phòng có những mùi hương đó. Mặc dù có thể hiệu quả của chúng không được như nhau đối với tất cả mọi người nhưng có thể chúng lại rất hiệu quả đối với bạn thì sao. Nhớ hãy sử dụng những mùi thơm tinh khiết. Hãy thử xem sao!
Nghe nhạc có giúp ích được gì cho việc học không? Điều này còn tùy. Đối với khoảng 20% người học, âm nhạc thường khiến họ khó tập trung và họ học tốt hơn trong một không gian yên tĩnh. Tiếng nhạc cứ văng vẳng trong đầu mãi khiến họ luôn bị phân tâm không thể học tốt được. Nhưng đối với 80% số người còn lại, âm nhạc lại có những tác dụng tích cực.
Nếu bạn dự định nghe nhạc trong khi học thì có hai cách lựa chọn. Thứ nhất là sử dụng loại nhạc bạn yêu thích. Vì sao? Đơn giản là vì những loại nhạc này luôn làm cho bạn tỉnh táo hơn, làm tinh thần hăng hái hơn và giúp thời gian trôi qua nhanh hơn. Cách thứ hai là dùng nhạc làm nền cho không gian học tập của bạn. Tuy nhiên, phần lớn loại nhạc đều được sản xuất với mục đích là cho mọi người thưởng thức nên tốt nhất là bạn hãy tìm những loại nhạc thật dịu êm và không khiến bạn phải chú ý vào chúng. Thế bạn phải chọn loại nhạc nào bây giờ? Nếu bạn có thể chọn được những loại nhạc mô phỏng âm thanh tự nhiên thì tốt quá (ví dụ như tiếng nước chảy, suối reo, tiếng mưa rơi…) hoặc những bản nhạc Jazz hay hòa tấu êm dịu. 
Thế âm nhạc có tác dụng gì tới việc học? Nó kích hoạt cả hai bán cầu của bộ não. Nó khơi gợi những hưởng ứng mang tính xúc cảm, điều chỉnh những trạng thái tập trung, và kích thích khu vực dưới vỏ não – nơi hòa hợp âm nhạc với những đáp ứng tình cảm tích cực nhất. Quan trọng hơn nữa, các nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy vai trò của âm nhạc đối với sự ghi nhớ lâu dài. Điều này có nghĩa là khi thông tin bạn tiếp nhận được nhuốm đầy màu sắc âm nhạc thì rất có nhiều khả năng là bộ não sẽ ghi nó vào trong vùng ký ức lâu dài của mình.

3.3. Tư thế ngồi, nước và nghỉ ngơi thích hợp

Cách bạn ngồi tác động tới cảm giác của bạn, và từ đó tác động tới hiệu quả của việc học. Nhìn chung, tư thế học tốt nhất là ngồi thẳng lưng và cúi nhẹ thân mình về phía trước. Tư thế nằm, ngồi uể oải, hoặc ngửa lưng ra sau đều có thể ảnh hưởng không tốt tới tầm nhìn và sự chú tâm của bạn. Ngồi thẳng thắn tại bàn học, để quyển sách nghiêng về sau tạo ra góc 45 độ so với mặt bàn. Vị trí này sẽ giúp bạn thấy tốt hơn, nhìn được toàn bộ trang sách và làm giảm đáng kể sự mỏi mắt. Phần lớn chúng ta thường có khuynh hướng để sách hơi gần hơn so với cần thiết. Vì thế nếu mắt bạn có thị lực tốt thì hãy đưa sách ra xa hơn một chút, bạn sẽ thấy ít căng mắt hơn đấy.
Nhiều người học cảm thấy thật bức bối nếu cứ phải ngồi yên một chỗ. Có một số nghiên cứu cho thấy rằng bạn thật sự có thể học tốt hơn thông qua sự chuyển động. Bạn có thể đứng dậy, đi lững thững trong khi tâm trí vẫn suy nghĩ và phân tích vấn đề. Bạn cũng có thể ngồi trong tư thế nhịp chân hay đung đưa chiếc ghế. Những sự chuyển động đó, thậm chí chỉ đơn thuần là việc đứng dậy, có thể đẩy mạnh hiệu quả của việc học.
Một số chuyên gia đề nghị ta nên uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể bạn, thời tiết và mức độ hoạt động của bạn. Các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên dùng nước tinh khiết để đảm bảo rằng nó không bị nhiễm độc. Các giáo viên cũng nhận ra rằng ở những lớp học mà học viên được khuyến khích uống nước bất cứ khi nào họ muốn thì hành vi và chất lượng học tập cũng gia tăng hơn. Hãy giảm bớt số lượng nước ngọt, trà hay cà phê và thay vào đó là những ly nước lọc bình thường. Bạn sẽ hài lòng khi nhận ra sự khác biệt đó.
Bộ óc của con người rất dở trong việc duy trì sự tập trung liên tục, lâu dài. Thường bạn có thể tập trung đọc trong 10 phút, những lúc khác có thể lên tới 30 hay 50 phút, nhưng ít khi kéo dài hơn khoảng đó. Hãy cứ thoải mái nghỉ ngơi một chút giữa những lần đọc. Đó là một cách thông dụng và tự nhiên để cho não bạn cân bằng những tác động đa dạng của các chất dinh dưỡng, hóc-môn, và các tác nhân môi trường.
Những lần nghỉ giải lao bảo đảm duy trì sự tập trung của bạn. Chúng cũng giúp bạn tận dụng được những vòng tuần hoàn ký ức của bộ não. Nhiều học viên thích sử dụng đồng hồ báo thức hay đồng hồ đếm ngược thời gian để báo họ tới giờ nghỉ. Một số khác lại để cho nhịp điệu tự nhiên của cơ thể báo cho họ biết khi nào đến lúc họ cần nghỉ. Hãy thử xem cách nào thì thích hợp với bạn nhé.
Bạn thấy thế nào? Điều kiện học tập của bạn đã tối ưu chưa? Mặc dù môi trường học tập không phải là điều duy nhất phân biệt một học sinh yếu kém hay xuất sắc nhưng nó lại là điều mà bạn có thể kiểm soát và điều chỉnh được.
        Tiếp tục series với Phần 4. Chiến thuật học tập

[Phần 2] Những thói quen thành công - Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết

phương pháp học đạt hiệu quả và những điều bạn chưa biết?
Series Phương pháp học tập tạo hiệu quả và những điều bạn chưa biết:



CHƯƠNG 2. NHỮNG THÓI QUEN THÀNH CÔNG 

Khi bạn làm việc gì đó một lần, đó chỉ là một hành động mà thôi. Làm nó nhiều lần, bạn sẽ có một công việc đều đặn. Nhưng khi bạn làm nó ngày này qua ngày khác một cách vô thức, bạn đã có một thói quen rồi đấy. Thói quen là những điều giúp tạo nên tính cách cả cuộc đời ta. Và chính nhờ chúng mà việc học của ta trở nên tốt đẹp chứ không phải là do may mắn hay gặp một ông thầy rộng tay cho điểm. Vấn đề là ở chỗ làm cách nào mà bạn tập được cho mình những thói quen tốt giúp hình thành nên những tính cách tích cực cho con người bạn.
Như bạn biết đó, thói quen có thể được hình thành do ngẫu nhiên hay là có mục đích hẳn hoi. Một số sinh viên, do một hoàn cảnh nào đó, tình cờ làm một việc mà sau đó vẫn tiếp tục làm lại mãi. Nếu nó là một thói quen tốt thì còn gì hay bằng!
Bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để bạn bắt đầu tạo cho mình những thói quen dẫn đến thành công. Một khi đã được hình thành, những thói quen đó sẽ ở bên bạn dài lâu, có thể là trong suốt cả cuộc đời. Trong trường học, những thói quen mà bạn học hỏi và sử dụng bây giờ sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích trong cuộc sống sau này. Vì thế, hãy cùng nhau xem xét những thói quen quan trọng giúp bạn thành công trong học vấn nhé. 

2.1. Bạn thuộc nhóm người học nào?

Mỗi người đều có một cách học riêng của mình. Có lẽ bạn cũng nhận ra rằng, nếu cho bạn một sự lựa chọn thì bạn sẽ chọn cách học này thay vì cách học khác: nghe, nhìn hay thực hành những điều vừa học. Nói cách khác, bạn thích thầy giáo giảng cho bạn nghe về một đề tài nào đó, bạn thích đọc hay xem phim về nó, hay bạn muốn thực hành xem nó xảy ra như thế nào giống như trong phòng thí nghiệm vậy? Đó chính là những ví dụ về 3 kiểu học phổ biến nhất mà chúng ta sẽ cùng bàn luận dưới đây.
-          Có nhiều người học tốt nhất thông qua thính giác. Ban có thuộc nhóm người này không? Nếu có thì bạn thường không thích nhìn vào bảng. Bạn thường chuyện trò với người khác, kể những câu chuyện vui, thích nghe một đề tài nào đó chứ không thích đọc. Bạn sẽ học được nhiều khi cùng ngồi ôn bài với các bạn hay khi nhớ lại những âm thanh của những điều mà ngưới khác đã nói.
-          Nhóm thứ hai là những người thích học thông qua thị giác. Bạn học được nhiều thông qua những gì bạn có thể nhìn thấy được như tranh ảnh, phim, sách, tạp chí, bảng đen, sổ ghi chú… Bạn thích viết ra giấy mọi điều để bạn có thể thấy chúng. Bạn thích ngồi ở những vị trí có thể thấy rõ giáo viên, nhìn được bảng và bạn sẽ thường xuyên hình dung ra những hình ảnh trong đầu bạn. Chắc chắn là bạn sẽ thấy rất thoải mái và dễ học bài nếu bạn tóm tắt bài học theo kiểu sơ đồ hay hình họa để bạn có thể nhìn chúng và nhớ lại bài giảng của thầy cô.
-          Nếu bạn là người năng động và có khả năng cảm thụ mạnh thông qua xúc giác thì bạn thuộc nhóm người có kiểu học thực hành. Trong lớp, bạn thấy bồn chồn, bứt rứt nếu cứ phải ngồi yên một chỗ; thà là cho bạn đứng dậy và làm một việc gì đó còn hơn. Bạn thích chơi thể thao, tham gia đội kịch của trường, thích vẽ vời hay có những sở thích năng động khác. Trong học tập, bạn thích những tiết thực hành trong phòng thí nghiệm và những gì liên quan tới các hoạt động thể chất. Ban không ngại học hỏi nhưng bạn chỉ thích làm nó theo những cách nào có tính chất „vận động‟ chứ không phải đơn thuần chỉ ngồi ôm ghì lấy cuốn sách.
Ngoài ra, người ta cũng có thể phân loại các cách học theo những tiêu chí khác. Bạn có thể là một người học chi tiết hay tổng quát. Ban sẽ thuộc loại học theo kiểu chi tiết nếu bạn thích những giáo viên giảng bài theo một trình tự rõ ràng, bám sát giáo án và đưa ra những ví dụ rõ ràng, cụ thể. Bạn sẽ thuộc loại học theo dạng tổng quát nếu bạn thích học với những người có tác phong thoải mái, hay kể chuyện, và thường cố gắng liên hệ bài giảng với những sự kiện lớn như cuộc đời của bạn, của họ, những khuynh hướng và vấn đề thời sự. Bạn cũng thường muốn biết lý do tại sao bạn phải làm một việc gì đó trước khi làm nó.
Còn nhiều kiểu học khác nữa nhưng thế cũng đã đủ cho lúc này rồi. Vấn đề thật đơn giản. Hãy bắt đầu để ý tới cách mà bạn thấy mình học có hiệu quả nhất và sử dụng cách học đó một cách thông minh hơn. Việc học không mất nhiều thời gian lắm đâu. Hãy tận dụng hết khả năng và sự khéo léo của mình, thành công sẽ không còn ở cách xa bạn nhiều lắm đâu.

2.2. Chuẩn bị những điều kiện học tập tốt nhất

Đừng quên rằng chuẩn bị là một giai đoạn rất cần thiết khi bạn bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Những người thành công thường là những người có được sự chuẩn bị tốt nhất. Một ứng cử viên đi xin việc sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu trước buổi phỏng vấn anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về công ty và những câu hỏi mình sẽ nhận được cũng như sẽ đặt ra cho họ. Một học sinh nếu học hành chăm chỉ và siêng năng suốt khóa học và ôn bài thật tốt chắc chắn sẽ làm bài tốt hơn những người chỉ „gạo bài‟ trước ngày thi. Một doanh nhân sẽ có nhiều cơ may ký được hợp đồng với đối tác nếu ông ta hiểu rõ hơn ai hết về đối thủ và đã có sẵn những kế hoạch cần thiết để xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra. Tương tự như vậy, một sinh viên sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho cả cuộc đời của mình sau này nếu người ấy biết tận dụng quãng thời gian quý báu khi còn ngồi trên ghế nhà trường để trang bị cho mình tất cả những kiến thức cần thiết nhất trước khi bước vào đời. Vì thế bạn còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay vào chuẩn bị những điều tốt nhất cho mình từ những việc đơn giản sau đây.
-          Hãy xem lại vẻ ngoài của bạn. Người ta thường có ấn tượng mạnh mẽ nhất về người đối diện ngay lần gặp đầu tiên. Vì vậy hãy chú trọng hơn về vẻ ngoài của bạn để tạo được những ấn tượng tốt đẹp nhất. Rất đơn giản: đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ, mặc những bộ quần áo phù hợp với bạn và môi trường xung quanh. Đừng khoác lên người những thứ quá đắt tiền, cầu kỳ, sặc sỡ hay „ngắn trước hở sau‟ (đặc biệt đối với bạn nữ) gây ra những sự chú
ý không tốt và „phản cảm‟ từ mọi người, đặc biệt khi bạn còn đang trong môi trường sư phạm và phần lớn vẫn còn đang sống dựa vào gia đình.
-          Trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật ngày nay, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào công việc và học tập là điều rất cần thiết đối với bất cứ người nào. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một thiết bị nhỏ nhắn đã giúp biến chuyển cả thế giới loài người, đó là chiếc máy vi tính. Bạn có thể làm bài, học bài, tìm kiếm thông tin, tài liệu, mua sắm, giải trí, kết bạn … - hầu như là tất cả mọi việc – chỉ thông qua một chiếc máy có (hay thậm chí là không có) nối kết Internet. Vì thế hãy có gắng trang bị cho mình một chiếc và bắt đầu khai thác khả năng kỳ diệu của nó. Tuy nhiên, nếu điều kiện tài chính của bạn là có hạn thì vẫn còn có nhiều cách khác. Các dịch vụ Internet đường truyền tốc độ cao với giá rẻ giờ mọc nhan nhản khắp mọi nơi. Điều quan trọng ở đây là bạn sẽ làm gì với chiếc máy tính. Đừng mất quá nhiều thời gian dành cho những cuộc tán gẫu vô bổ hay những trò chơi bắn giết trên mạng. Thay vào đó, hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tận dụng và khai thác được sức mạnh tuyệt vời của các công cụ mà nền công nghệ cao đã mang lại cho bạn.
-          Bảo đảm rằng bạn có đầy đủ những dụng cụ cần thiết giúp bạn dễ dàng hơn trong học tập. Ban đã có giấy, bút, sách vở, máy tính hay những đồ dùng khác khi đến lớp chưa? Ban cũng đã có một cuốn sổ nhỏ giúp ghi lại thời khóa biểu học tập và sinh hoạt của bạn chưa? Với quyển lịch nhỏ nhắn đó, lúc nào bạn cũng có thể biết mình đang ở đâu và đã làm được những gì cũng như giúp bạn tránh được việc học quá nhiều để có thể dành thời gian cho những giây phút giải trí thư giãn thoải mái hơn.

2.3. Gia tăng ý thức về bản thân mình

Bạn thấy mình là người như thế nào? Bạn nghĩ mình là một sinh viên giỏi hay dở? Bạn biết không, hành động, cảm giác, và hành vi của bạn khá nhất quán với nhận thức của bạn về chính mình. Tuy nhiên điều thú vị là nó có thể thay đổi được. Có hàng ngàn sinh viên tự thấy mình không có năng lực gì đặc biệt, luôn thua kém bạn bè, rồi họ có khuynh hướng kết bạn với những người cũng „cỡ‟ như mình và hậu quả là điểm số cứ sút kém hoài. Vì sao vậy? Các bạn đó đã tự chứng minh là mình „đúng‟ bằng cách trở thành những người dở tệ, đúng theo suy nghĩ trước đó của họ.
Đừng nhầm lẫn sự tự ý thức với những suy nghĩ tích cực. Chúng không phải là một. Có những suy nghĩ tích cực nghĩa là tin rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp cho dù niềm tin đó có hợp lý hay không. Sự tự ý thức thì khác. Bằng cách củng cố sự tự ý thức của mình, bạn đang tiến tới một điểm mà bạn thật sự có thể kiểm soát được, đó chính là bản thân bạn. Những điều bạn nói với mình, nghĩ về mình, cảm nhận về bản thân tạo nên nét tính cách và nhân phẩm trong con người bạn. 

Bất cứ loại người nào mà bạn muốn trở thành, bất cứ thay đổi nào mà bạn muốn thực hiện, đều bắt nguồn từ bên trong con người bạn. Hãy luôn tập trung vào việc trở thành con người mà bạn mong muốn. Hãy hình dung ra một „bức tranh tinh thần‟ thật mạnh mẽ, sống động về người sinh viên mà bạn mơ ước vươn tới. Nhìn thấy mình làm những việc dẫn bạn đến thành công. Nghe bản thân nói những điều mà các sinh viên ưu tú nhất thường nói. Cảm thấy mình tràn ngập tự tin và đang làm những việc sẽ dẫn đến những thành công tiếp theo. Quá trình này sẽ giúp tạo ra những nét tính cách mà con người bạn muốn có. Khi bạn có cảm giác tích cực về tương lai mình, tiềm thức của bạn sẽ rất tự nhiên hướng suy nghĩ và hành động của bạn theo một cách thức tương ứng với những gì bạn muốn tới. Mục đích của việc hình dung một „bức tranh tinh thần‟ trong đầu thì rất đơn giản. Đầu tiên, nó giúp bạn thấy được „sản phẩm cuối cùng‟, và bằng cách đó khiến bạn trở nên dễ chịu hơn với một hình ảnh con người mới mẻ nơi bạn. „Bức tranh tinh thần‟ đó sẽ cung cấp cho bạn một mô thức hành động tương ứng thông qua việc lưu giữ những hành vi mong muốn trong tâm trí. Bạn sẽ trở thành con người bạn nghĩ, bạn mơ ước và khao khát nhất.
Bạn có thể trở thành con người mà bạn đang cố gắng thể hiện. Đó là lợi điểm thứ hai của những bức tranh tinh thần. Hầu hết chúng ta đều đã „đóng vai‟ như thế dưới dạng này hay dạng khác. Thường thì, những ngôi sao điện ảnh khi đảm nhận một vai diễn với cùng một tính cách như nhau trong một thời gian dài thường có xu hướng thật sự lĩnh hội những nét tính cách của nhân vật đó. Vì vậy, ngay từ hôm nay, hãy „nhập vai‟ trở thành một con người bạn ao ước để cuối cùng bạn có thể thật sự trở thành con người đó.
Có ba việc quan trọng cần làm ngay bây giờ:
1.      Hãy ngừng so sánh mình với người khác. Cũng đừng nghe ai đó so sánh bạn với họ. Ban là một trong cái thế giới rộng lớn này. Tất cả những so sánh với người khác đều thật ngớ ngẩn. Sự so sánh duy nhất bạn nên làm là đánh giá những việc mình đã làm so với chính bản thân bạn một tháng trước đây, một năm trước đây… Nếu bạn thấy mình có tiến bộ thì tức là bạn đang thành công rồi đấy.
2.      Điều cần làm tiếp theo là hãy sống đúng với bản chất con người mình, có nghĩa là bạn hãy sống đúng với những giá trị của bạn. Nếu bạn coi trọng sự chân thật, hãy sống chân thật. Nếu bạn trân trọng tình bạn, hãy cư xử với bạn bè thật tốt. Nếu bạn coi trọng sự thành công, thì hãy bắt đầu đi trên con đường để đến được cái đích đó. Bí mật chính là hãy đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và đạt được chúng, lập tiếp một mục tiêu ngắn hạn nữa và tiếp tục hoàn thành chúng. Cứ thế, chẳng bao lâu nữa bạn sẽ đến được những mục tiêu lâu dài của mình thôi.
3.      Điều thứ ba cần làm là hãy tin vào bản thân mình. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra hai phút để nghĩ về những „bức tranh tinh thần‟ là đủ. Nằm hay ngồi cũng được, miễn sao cho thật thoải mái. Sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra một hình ảnh sống động, rõ nét về chính bạn đang làm một việc gì đó mà bạn ao ước. Ví dụ như bạn đang nghĩ về mình đang phát biểu tích cực trong lớp, được thầy cô khen ngợi hay đạt được những số điểm cao vút tại các kỳ thi trong con mắt ngưỡng mộ của bạn bè. Nghe có lạ lẫm lắm không?
Hãy nhớ lấy điều này: Nếu bạn thậm chí còn không tưởng tượng được bạn sẽ đạt được điểm 10 thì còn có hy vọng gì để bạn thật sự làm được điều đó trong thực tế chứ?
Để trở thành một sinh viên giỏi, điều đầu tiên bạn cần làm được là tin rằng điều đó có thể thành hiện thực. Hãy giao tiếp nhiều hơn với các bạn học giỏi và làm theo những kỹ năng học tập mà cuốn sách này đã dạy bạn. Thành công sẽ đến khi bạn tin vào chính mình.

2.4. Đọc, đọc và đọc

Tivi có mặt ở khắp mọi nơi khiến cho việc đọc sách giờ đây đã trở thành một chuyện lỗi thời. Tuy nhiên ở bất cứ thời đại nào, việc đọc vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và bồi dưỡng tri thức của con người. Nhưng tại sao ta phải tập cho mình thói quen đọc sách? Bởi vì việc đọc kích thích sự hoạt động của bộ não. Nó giúp bạn học được nhiều hơn bất cứ thứ gì bạn nghe được hay tự thân mình trải qua. Nó còn làm cho sự tưởng tượng của bạn phát triển hơn. Ví dụ, đọc sách có thể giúp bạn linh hoạt hơn khi giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Thật vậy, người ta thường nói nhà phát minh Thomas Edison là một „con mọt sách‟ bởi vì ông đã đọc ngấu đọc nghiến hàng ngàn cuốn sách và điều này đã cung cấp nền tảng giúp ông trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới.
Nhưng không phải ai cũng biết cách đọc hiệu quả. Việc đọc đòi hỏi một số kỹ năng nhất định. Nếu bạn học được cách đọc tốt hơn, bạn sẽ không còn phải e sợ khi đọc sách nữa. Và một khi bạn đã học được cách đọc hiệu quả rồi thì bạn lại sẽ càng muốn đọc nhiều hơn. Hãy đọc càng nhiều càng tốt và đọc những tài liệu có độ khó khác nhau. Nếu bạn muốn trở thành một độc giả tốt thì chỉ đọc báo buổi sáng không thôi là chưa đủ. Hãy đọc các loại sách khác nhau, sách bán chạy, sách của các tác giả nổi tiếng, và tạp chí (đặc biệt bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích khi đọc các tạp chí chuyên ngành). Điều quan trọng là đọc càng nhiều càng tốt.

2.5. Ăn uống thông minh hơn

Việc ăn uống có tác động mạnh mẽ tới tâm trạng, mức độ hoạt động và khả năng suy luận của bạn. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc bạn ăn gì và khi nào bạn ăn chúng có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao trong việc học của bạn. Nếu bạn quan tâm nhiều hơn tới thói ẩm thực, bạn sẽ có nhiều khả năng gia tăng điểm số của mình trong học tập. Bằng cách nào? Những loại thức ăn dinh dưỡng mang lại cho bạn sự tập trung tốt và những kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Bạn sẽ có thể tập trung lâu hơn để học tốt hơn. Thậm chí thức ăn còn giúp bạn cảm thấy năng động và yêu đời hơn. 
-          Lý tưởng nhất là bạn hãy tiêu thụ thức ăn chứa lượng đường, muối và chất béo thấp.
-          Dùng nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thì tốt hơn là ăn ít bữa nhưng mỗi bữa thật nhiều.
-          Uống từ 6 đến 8 ly nước lọc mỗi ngày ( ít nhất 200 ml/ngày)
-          Dùng những loại thực phẩm có chứa nhiều nước hơn như các loại rau quả.
-          Cho vào khẩu phần ăn của bạn nhiều ngũ cốc và những thức ăn tự nhiên hơn.
-          Khi nấu ăn cho thêm nhiều nước ép chanh, các loại gia vị và bớt ít muối lại.
-          Ăn đúng bữa và chậm lại, tránh ăn ngấu nghiến vì sẽ không tốt cho dạ dày bạn.
-          Tránh nhịn bữa sáng vì nó sẽ làm bạn giảm khả năng tập trung đấy.
Ngoài ra khi bạn muốn thư giãn thì hãy dùng thêm nhiều sữa hay những sản phẩm từ sữa trong bữa ăn của mình. Đậu phộng cũng có tác dụng tương tự. Nếu bạn muốn tập trung suy nghĩ và học nhiều (ví dụ như trước các kỳ thi chẳng hạn), hãy dùng những chất có chứa nhiều chất đạm (prôtê-in) như ya-ua, trứng, cá, thịt gà… Nếu muốn nhớ bài lâu hơn thì hãy chọn dùng nhiều sữa, các loại hạt, chuối, ngũ cốc, cháo yến mạch …
Thế trình tự ăn uống có quan trọng không? Câu trả lời là „có‟. Hãy ăn những món cung cấp nhiều prôtêin trước rồi hãy đến những loại chứa nhiều cacbon-hydrat (như những sản phẩm làm từ đường và tinh bột). Có nghĩa là ăn trứng, ya-ua, thịt, cá trong bữa sáng. Những bữa chiều tối thì dùng nhiều sữa và đồ ngọt hơn. Chất prôtêin rất có lợi cho việc học, còn những chất cacbonhydrat thì lại làm bạn năng động hơn cho hoạt động sau 3 giờ chiều. Nếu ăn uống thông minh hơn, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái hơn và chắc chắn là sẽ học tốt hơn. 

2.6. Đi học đều đặn

Bạn có nên nghỉ học không? Dĩ nhiên là „không‟ rồi. Tuy nhiên có đôi lúc bạn buộc phải nghỉ học với những lý do chính đáng như bệnh tật, ốm đau, hay có việc gấp rút cần làm. Đi học đều đặn bảo đảm rằng bạn sẽ nghe giảng và ghi chép bài vở đầy đủ hơn và nắm bắt được những thông tin cần thiết trong lớp học. Hãy đến lớp đúng giờ. Thầy cô thường cảm thấy bực bội nếu bị những sinh viên đến trễ cắt ngang bài giảng. Việc đi học sớm còn cho phép bạn kiếm được những chỗ ngồi phía trên. Ở những vị trí đó, bạn sẽ nghe rõ hơn, thấy dễ hơn, ít bị xao lãng và thể hiện cho giáo viên thấy sự quan tâm của mình tới môn học hơn. Bạn nên ghi chú càng chi tiết càng tốt. Vì sao? Việc ghi bài giúp bạn luôn tập trung vào lời thầy giảng và tránh cho tâm trí bạn phiêu lãng nơi đâu. Khi bạn ghi bài, hãy cố gắng tạo ra cho mình thói quen làm nổi bật những điểm quan trọng như sử dụng viết tô màu nổi, gạch dưới, khoanh tròn, đồ đậm, viết chữ in hoa hay vẽ một dấu sao bên cạnh … Hãy sử dụng ít nhất hai màu mực khác nhau vì nó giúp bạn trình bày bài vở rõ ràng hơn. Và một điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là: phải thường xuyên ôn bài đấy nhé!

2.7. Tăng cường mối quan hệ với các thầy cô

Học chính là để nắm được các mối quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa các ý tưởng, các khái niệm và các con số. Nó là mối quan hệ giữa các công thức, lý thuyết, và thực tế. Nó cũng là về mối quan hệ giữa bạn và các tài liệu học tập, bạn và trường học, bạn và bạn bè, và cuối cùng, bạn và người thầy. Cách giáo dục ngày trước thường mang tính „đối nghịch‟: giữa người học với người dạy. Người giáo viên lúc đó thường cố tỏ ra lạnh lùng, xa cách còn học trò thì tận dụng sự láu cá nhằm đoán biết được thầy sẽ cho ra thi những gì. Ngày nay, những mô hình dạy và học như thế đã ngày càng ít đi. Hãy thiết lập một mối quan hệ gần gũi với các giáo viên sau những giờ học ở trường và phát triển một kênh giao tiếp tích cực.
Các bạn chắc cũng từng có những người thầy mình yêu mến để bao nhiêu năm không gặp nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ về thầy với tất cả lòng biết ơn và kính trọng. Bạn có nhớ những lần tụ tập bạn bè để về thăm lại „người xưa trường cũ‟ và ôn lại kỷ niệm một thời học trò đầy những khát vọng đáng yêu. Những tình cảm như thế là hết sức quý giá, là sự ủng hộ tinh thần lớn lao trên đường đời đầy thử thách. Vì thế, hãy biết tận dụng thời gian ngắn ngủi khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có thêm những mối quan hệ thầy trò sâu sắc hơn và bạn sẽ thấy rằng nhờ nó mà thái độ học tập của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, những mối quan hệ như vậy còn có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống sau này. 
Thế bạn phải làm cách nào? Hãy mạnh dạn hỏi thầy cô những điều bạn chưa hiểu (thầy cô đánh giá rất cao những học trò biết „hỏi‟ vì như thế cho thấy sự quan tâm của bạn tới môn học) cũng như cho những ý kiến phản hồi tích cực sau những bài giảng của thầy. Hầu hết các giáo viên đều đánh giá rất cao những tín hiệu cho biết bài giảng của họ đã diễn ra như thế nào trong lớp học. Bạn cũng nên tìm hiểu phong cách giảng dạy và những đề tài ưa thích của các thầy cô để có thể thực hiện tốt hơn những yêu cầu của họ.

2.8. Lập ra thời gian biểu học tập

Những sinh viên giỏi thường là những người biết lập ra cho mình một thời gian biểu chính xác, rõ ràng và viết nó ra giấy hẳn hoi. Bạn có nên làm một cái tương tự như vậy không? Dĩ nhiên rồi. Quả thật, có rất nhiều chuyện đang diễn ra nên rất khó để bạn có thể nhớ hết mọi lớp học, mọi bài tập, mọi cái tên, mọi cuộc hẹn hay những sự kiện quan trọng chỉ bằng trí nhớ thông thường. Có một cách rất đơn giản và hiệu quả giúp khắc phục được điều đó. Nếu bạn không có một trí nhớ tốt: sử dụng thời gian biểu. Nếu cuộc sống của bạn quá phức tạp với nhiều thay đổi: sử dụng thời gian biểu. Nếu bạn có khuynh hướng hay trì hoãn mọi việc: sử dụng thời gian biểu.
Những người sử dụng thời gian biểu thường xuyên sẽ thấy rằng họ có thể sắp xếp và xác định rõ thời gian dành cho việc học một cách khoa học hơn. Thời gian biểu có thể nhắc cho bạn nhớ lại những việc cần làm và tránh được những điều bỏ quên do bất cẩn. Một thời gian biểu hàng tuần nên bao gồm một danh sách tổng quát những việc cần làm quan trọng nhất. Sau đó hãy lập một thời gian biểu hàng ngày để không bỏ quên những việc nhỏ cần làm khác. Bạn có thể ghi thời gian biểu lên điện thoại cầm tay hay viết lên quyển lịch để bàn. Cho dù theo phương thức nào thì bạn cũng nên nhìn lại nó vào cuối ngày, gạch bỏ những việc đã làm xong và chuyển những việc còn dở dang sang ngày hôm sau. Điều này sẽ giúp bạn luôn hướng về các mục tiêu của mình và củng cố hình ảnh thành công của bạn thông qua những việc đã hoàn tất từng ngày. Bài tập cho bạn bây giờ là (nếu bạn chưa làm nó) hãy mở sổ ra và lập ra cho mình một thời gian biểu cho mình.

2.9. Rèn cho mình sự tập trung cần thiết

Một số sinh viên dường như có một sự tập trung cao độ đáng kinh ngạc. Khả năng tập trung giúp bạn sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn và làm được nhiều việc hơn. Làm sao bạn có được nó? Dưới đây là những phương pháp chắc chắn sẽ mang lại cho bạn sự tập trung mà mình mong muốn.
-          Tìm thời điểm thích hợp để học. Một số bạn là „những người sống về đêm‟ – có nghĩa là họ chỉ học tốt được vào ban đêm. Một số khác thì lại thấy mình minh mẫn hơn vào các buổi sáng sớm.
-          Tìm một chỗ ngồi học thích hợp qua việc lúc nào cũng chỉ sử dụng đúng một cái bàn học mà thôi. Chỗ ngồi đó tạo ra cho bạn sự quen thuộc và dễ chịu, khiến bạn có thể bắt đầu học tốt hơn. Sử dụng ánh sáng ban ngày tự nhiên hay dùng bóng đèn dây tóc (tránh dùng bóng đèn huỳnh quang vì nó sẽ có hại cho mắt bạn)
-          Lập ra những mục tiêu nhỏ, cụ thể và trong khả năng của bạn. Đừng nói: “Mình sẽ không ra khỏi ghế nếu chưa đọc xong quyển sách tin học này.” Thay vào đó, lập ra một mục tiêu mang tính hiện thực như: “Trong vòng một tiếng đồng hồ mình sẽ học xong chương 7 và chương 8”. Mỗi lần bạn chỉ nên tập trung học một môn mà thôi. Nếu bài tập thầy giao cho bạn là: trong vòng một tuần, hãy viết một bài nghiên cứu về một nhân vật nổi tiếng nào đó trong lịch sử đấu tranh của dân tộc thì bạn chớ đợi tới đêm cuối cùng mới bắt đầu làm. Hãy chia bài tập này ra thành những phần nhỏ khác nhau. Vào hai ngày đầu tiên, bạn có lẽ muốn tìm hiểu về nhân vật đó bằng cách đọc tài liệu thầy cho, tìm thông tin trên mạng hay vào thư viện. Ngày thứ ba, bạn có thể muốn kiếm thêm thông tin về thời điểm lịch sử mà nhân vật đó đã sống. Sau đó, vào ngày thứ tư, bạn có thể bắt tay vào viết đề cương. Ngày thứ năm, bạn bắt đầu viết bản nháp. Như vậy bạn còn hai ngày cuối cùng để hoàn thành bài nghiên cứu của mình. Việc phân nhỏ những bài tập như vậy sẽ làm cho chúng bớt khó khăn hơn. Thử xem phương pháp này có hiệu quả với bạn không.
-          Uống nhiều nước. Điều này giúp cho sự tập trung và chú ý của bạn sắc bén hơn.
-          Làm cho việc học của bạn năng động hơn. Đọc, ghi chú, đọc, suy nghĩ rồi lại ghi chú. Không bao giờ xem quá một hay hai trang sách mà không làm gì cả. Bằng việc suy nghĩ, đặt câu hỏi, ghi chú, bạn sẽ giúp cho việc học của mình trở thành một quá trình năng động hơn, ý nghĩa hơn.
-          Nghỉ giải lao sau 30 phút. Đứng dậy, co giãn tay chân, đi lại và hít thở chút không khí trong lành sẽ khiến đầu óc bạn sảng khoái và nhẹ nhàng hơn. Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy những giấc ngủ trưa ngắn từ 10 đến 20 phút mỗi ngày (trong khoảng từ 11 đến 13 giờ trưa) sẽ tái cung cấp chất amin vào não, chúng là những hóa chất sẽ giúp bạn chú ý và tập trung tốt hơn.
-          Tránh những thứ có thể làm bạn xao lãng như TV, điện thoại, đài phát thanh, báo chí. Đừng để chúng phá hủy sự tập trung của bạn.
-          Trước khi tập trung vào học, hãy quan tâm giải quyết những yêu cầu tức thời của bạn như cơn đói, khát, tiếng ồn bên ngoài, ánh sáng. 
Một khi bạn đã học được cách tập trung thì bạn sẽ hài lòng khi thấy nó trở thành một thói quen của bạn. Và điều đó làm cho những lần tập trung sau trở nên dễ dàng hơn.

2.10. Giảm áp lực học tập

Hãy cố gắng hoàn thành bài tập hay bài nghiên cứu của bạn trước hạn nộp càng sớm càng tốt. Việc này giúp thỏa mãn cả hai mục đích cùng một lúc: bảo đảm rằng bạn đã làm xong bài tập và cho bạn thêm nhiều cơ hội coi lại bài làm của mình và chỉnh sửa nếu cần thiết. Nếu giáo viên cho hạn nộp bài tập là vào ngày 16 thì hãy hoàn thành nó trước ngày 12 trong tháng chẳng hạn. Sau đó, nếu thời khóa biểu của bạn đột nhiên có thêm nhiều sự việc không định trước thì bạn không phải lo lắng gì về việc nộp bài đúng hạn. Và nếu bạn bỗng có thêm một vài ý mới nữa thì bạn vẫn còn nhiều thời gian để bổ sung chúng vào bài làm của mình.
Hãy tận dụng kết quả nghiên cứu khoa học về bộ não gần đây. Trong quyển sách nhan đề Chế độ hoạt động của trạng thái ý thức, tiến sĩ Hobson đã khuyên mọi người nên chọn thời điểm học trước khi ngủ trưa hay trước giờ đi ngủ vào ban đêm. Trong trạng thái chập chờn trước khi bước vào giấc ngủ sâu, bộ não bạn có thể quay lại những gì vừa học trước đó, tái tạo và ôn lại chúng, làm cho những kiến thức đó càng in đậm và rõ nét hơn vào sáng hôm sau. Vì thế, nếu bạn học bài hay ôn bài ngay trước khi đi ngủ, tức là bạn đang sử dụng sự hiểu biết về trạng thái của giấc ngủ để làm cho việc học của bạn thành công hơn.

2.11. Chọn một chỗ ngồi học cố định

Học ở một chỗ ngồi quen thuộc thì có ích hơn vì nó giúp bạn có thể nhanh chóng tập trung vào bài học. Nếu không, bạn có thể mất tới 20 phút đầu tiên để làm quen với chiếc bàn mới, ghế mới, phòng mới hay quang cảnh mới. Thông thường, người ta không khuyên bạn học trên giường vì nó quá dễ chịu khiến bạn dễ chìm vào giấc ngủ. Hãy học trong một khu vực có ánh sáng gián tiếp nhưng phải đủ mạnh và tốt nhất là có không gian yên tĩnh. Bảo đảm là quyển sách phải cách mắt bạn từ 35 đến 45 cm. Với khoảng cách đó, sự mỏi mắt sẽ được giảm thiểu.

2.12. Loại bỏ những sự quấy nhiễu

Ai là kẻ thù của bạn? Đó chính là những thứ gây cản trở cho việc học như sự mơ mộng, cơn đói, trạng thái bất an và sự mơ hồ. Một trạng thái tinh thần như vậy sẽ giết chết sự tập trung. Mọi người đều có một số môn học hay bài tập mà họ chẳng muốn làm chút nào. Nhưng thay vì phàn nàn, hãy nói với bản thân: “Mình sẽ làm xong bài tập này và hoàn thành nó thật nhanh.” Tìm hiểu xem bạn cần học những gì và mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành nó. Nếu bạn tiếp cận nó với một thái độ cởi mở, tích cực thì mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn bạn tưởng. Nếu bạn tin rằng bạn có thể làm được nó thì bạn đã đi được nửa đoạn đường rồi đấy.
Gần như lúc nào cũng luôn có những việc gì đó bỗng dưng xuất hiện ngay trước khi bạn chuẩn bị ngồi vào bàn học. Đôi khi, bạn có cảm giác việc học sao mà chán ngán thế và bất cứ thứ nào khác cũng thú vị hơn nhiều. Tránh làm những việc dễ gây cho bạn sự mất tập trung trước giờ học như xem TV, lướt web hay tán gẫu điện thoại với bạn bè. Đa phần những việc ta làm là do thói quen chứ không phải do nhu cầu. Vì vậy, hãy xác định thời điểm nào mà bạn thật sự cần làm những việc đó. Hãy hình thành những thói quen học tập tích cực để có thể tiến bước tới thành công nhanh chóng hơn.

2.13. Học với liều lượng hợp lý

Một trong những thứ làm bạn ngán ngẩm nhất khi bắt đầu học là số lượng bài vở cần hoàn tất. Dẫu sao thì, có ai muốn ngồi lì trên bàn học ba, bốn tiếng đồng hồ trong một ngày đẹp trời không? Câu trả lời khá đơn giản nếu bạn luôn tâm niệm câu nói này: Ta sẽ cảm thấy mọi việc dễ dàng hơn khi „hành động để có được cảm giác‟ hơn là „có được cảm giác để có thể hành động‟. Điều đó có nghĩa là tốt hơn hết bạn hãy bắt đầu làm từ những bài tập nhỏ, dễ, hơn là cứ ngồi chờ một nguồn cảm hứng bất chợt nào đó đến với bạn. Điều đó rất ít khi xảy ra. Nếu bạn phải đọc xong hai chương sách trong ngày thì hãy hứa với lòng rằng bạn sẽ đọc chương 1 thôi. Nếu cuối chương 1 mà bạn vẫn thấy hứng thú thì hãy đọc tiếp luôn. Trên tất cả, đừng để mình bị những cuốn sách dày, đồ sộ làm cho nản lòng. Hãy cứ từng bước từng bước một tiến đến, bạn sẽ không ngờ là mình lại làm được những việc mà mình cảm thấy rất ngán ngẩm trước đó.
Khi đối diện với các tài liệu „khó nuốt‟ thì cách khôn ngoan nhất là lập ra những mục tiêu ngắn và dễ đạt được. Hầu như tài liệu nào cũng có thể được chia nhỏ ra theo một ba-rem nhất định. Cắt nhỏ bài đọc ra thành từng phần, ví dụ như phần giới thiệu, phần ví dụ, thông tin nền tảng, ý kiến tác giả, và các số liệu liên quan. Lúc đó thì nó sẽ không còn gây quá nhiều sự khó khăn cho bạn nữa. Cứ từng bước từng bước mà đi, bạn chẳng cần phải làm khó mình bởi những gì vĩ đại lớn lao. Bỏ mặc hết những lý do, những sự trì hoãn. Hãy bắt đầu làm bài ngay và bạn sẽ hoàn tất nó nhanh thôi.

2.14. Chú ý đến sự cân bằng trong cuộc sống



Vào thời điểm này trong cuộc sống, bạn đang có quá nhiều việc phải đối diện: việc học, việc nhà, các mối quan hệ, những hoạt động trong trường, tài chính, gia đình, sở thích, thể thao và sức khỏe. Có một điều bạn có thể bảo đảm là: cuộc sống đòi hỏi bạn phải chú ý tới mọi phương diện của nó. Nếu bạn không quan tâm tới sức khỏe của mình, thì bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn bỏ mặc các mối quan hệ với mọi người thì nỗi buồn sẽ tự nhiên mà đến. Nguyên tắc ở đây thật đơn giản: hãy tổ chức các hoạt động trong cuộc sống. Ngoài việc học ra, nhớ là bạn phải sắp xếp thời gian để chơi, để tập thể dục, để lên kế hoạch, và thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Hãy coi trọng và cố gắng thực hiện lời hứa của mình. Cuộc sống mang lại cho chúng ta rất nhiều nhưng đòi hỏi lại chính ta những điều tương tự như vậy. Hãy lên kế hoạch và làm cho nó trở thành hiện thực. Chắc chắn là khó khăn rồi cũng sẽ đến trên con đường ta đi, nhưng nếu bạn dám đứng lên đối mặt với mọi khó khăn thử thách thì niềm vui sẽ đến với bạn mỗi ngày.

Tiếp tục series với Phần 3. Môi trường học tập